Biểu tượng Chữ thập đỏ là hình chữ thập màu đỏ, trên nền trắng. Biểu tượng chữ thập đỏ được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ. Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ và biểu tượng pha lê đỏ do tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài thuộc Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế sử dụng ở Việt Nam được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ.
Hội Chữ thập đỏ Viêt Nam đã có nhiều công văn quy định về việc sử dụng Biểu tượng tại Việt nam: Thông tư số 100/BYT-TT ngày 25/02/1958, Thông tư số 01/BYT-TT ngày 16/02/1959, Công văn số 851/PC ngày 04/03/1989, Công văn số 924 VP1 và mới nhất là Công văn số 7464/BYT-KCB ngày 29/10/2009. Trong công văn nêu rõ 4 tình huống được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ: Tại bệnh viện làm nhiệm vụ cấp cứu không thu phí; Tại phòng khám bệnh, cấp cứu không thu phí; Các xe cấp cứu, xe chống dịch; Các cán bộ làm công tác phòng dịch, kiểm dịch biên giới.
Ông Trần Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, mặc dù đã có những văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ. Nhưng hiện nay, việc sử dụng sai biểu tượng Chữ thập đỏ vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là trong hoạt động thương mại thì sự lạm dụng này xuất hiện nhiều hơn.
Thực tiễn cho thấy việc bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ gặp rất nhiều khó khăn, một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của biểu tượng. Hơn nữa sự nổi tiếng của các biểu tượng này rất dễ khiến nó bị lạm dụng và sử dụng một cách tràn lan, bừa bãi dẫn đến các vi phạm.
Các vi phạm điển hình có thể kể đến như: Sử dụng sai (không phải cá nhân, tổ chức hoạt động Chữ thập đỏ nhưng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam); bắt chước (sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gây nhầm lẫn); mạo danh (các nhóm, cá nhân làm từ thiện “trá hình” sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) để trục lợi.
Thêm nữa, hiện nay biểu tượng Chữ thập đỏ không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Cục Sở hữu trí tuệ không cấp độc quyền cho một tổ chức/cá nhân nào sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trong thiết kế nhãn hiệu. Tuy nhiên, đối với việc thẩm định các nhãn hiệu có sử dụng dấu hiệu tương tự biểu tượng Chữ thập đỏ được cách điệu, thay đổi, điều chỉnh thì cần tiến hành nghiên cứu chi tiết, làm rõ khả năng được sử dụng.
Trước những khó khăn như vậy, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã chung tay, kết hợp với rất nhiều cơ quan, tổ chức để thực hiện và quyết tâm bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ để phát huy được những giá trị nhân đạo, tích cực nhất mà biểu tượng này đại diện.
Cụ thể, Hội đã cùng Bộ Y tế phối hợp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và bảo vệ biểu tượng. Bên cạnh đó, Hội chữ thập đỏ cũng đề nghị Bộ Y tế cần có thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực của mình thực hiện đúng theo quy định, không sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ để “gá” vào biểu tượng đơn vị, doanh nghiệp, sản phẩm… Và Sở Y tế cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát những cơ sở có sử dụng biểu tượng của Chữ thập đỏ.
Đồng thời, Hội chữ thập đỏ cũng đã liên kết chặt chẽ với Cục Sở hữu trí tuệ nhằm tích cực trao đổi các vấn đề thực tiễn trong công tác thẩm định, thực thi quyền Sở hữu trí tuệ để nhằm bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ. Đặc biệt là cùng nhau xây dựng và đưa ra những dấu hiệu nhận biết để "đánh" vào nhận thức của các chủ thể trong xã hội về việc sử dụng đúng biểu tượng Chữ thập đỏ.
Bên cạnh đó, Hội còn cùng với Văn phòng khu vực của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tại Băng Cốc tích cực ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (Luật Hoạt động Chữ thập đỏ năm 2009; các văn bản của Bộ Y tế) nhằm quy định, hướng dẫn việc sử dụng cũng như ngăn ngừa việc lạm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiến hành hoàn thiện chi tiết hơn nữa các quy định này, điển hình như việc sử dụng màu sắc, hình thức của biểu tượng Chữ thập đỏ nhằm ngăn chặn các hành vi gây nhầm lẫn.