Theo TS.Trần Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, biểu tượng Chữ thập đỏ cần phải được tôn trọng và sử dụng đúng. Nếu biểu tượng bị sử dụng một cách tùy tiện, bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người.
Dù đã có văn bản pháp lý quốc tế và Việt Nam quy định về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, nhưng biểu tượng Chữ thập đỏ xuất hiện khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực không thuộc hoạt động Chữ thập đỏ, phổ biến nhất là ngành y tế (các cơ sở y tế, cửa hàng thuốc tân dược, xe cấp cứu, trên các chương trình truyền hình, quảng cáo liên quan đến chăm sóc sức khỏe…). Biểu tượng Chữ thập đỏ hiện đang bị vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau: Sử dụng sai (không phải cá nhân, tổ chức, hoạt động Chữ thập Đỏ nhưng sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ và biểu trưng của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam); Bắt chước (sử dụng dấu hiệu gần giống về hình dáng, màu sắc của biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gây nhầm lẫn); Mạo danh (các nhóm, cá nhân làm từ thiện “trá hình” sử dụng biểu tượng Chữ thập Đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) để trục lợi...
Thực tiễn cho thấy việc bảo vệ biểu tượng CTĐ vô cùng khó khăn, một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của biểu tượng, hơn nữa sự nổi tiếng của các biểu tượng này khiến nó dễ bị lạm dụng.
Trước hiện trạng này, ông Gianni Volpin - Trưởng đại diện văn phòng Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tại Việt Nam và Lào đã đề xuất 4 biện pháp bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ: Chấm dứt việc sử dụng không đúng, không được phép biểu tượng, biểu trưng Chữ thập đỏ; Truy tố, xử phạt các trường hợp lạm dụng biểu tượng, biểu trưng Chữ thập đỏ; Từ chối đăng ký sử dụng biểu tượng, biểu trưng Chữ thập đỏ của các thương hiệu, trung tâm thương mại…; Tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng, người dân về biểu tượng, biểu tượng Chữ thập đỏ. “Tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng là quan trọng nhất, các biểu tượng, biểu trưng Chữ thập đỏ chỉ có chức năng bảo vệ khi được sử dụng đúng, được mọi người nhận biết”, ông Gianni Volpin nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Hồ Chí Minh đã có tham luận đưa ra các giải pháp thường xuyên, thiết thực để bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ. Ông Tuấn cho biết: Đối với tổ chức Hội Chữ thập đỏ các cấp cần tập huấn công tác Hội về sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ đúng theo Luật Hoạt động Chữ thập đỏ quy định. Mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ là một “Tuyên truyền viên về bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ”. Đặc biệt, ông Tuyến mong muốn Luật Hoạt động Chữ thập đỏ được điều chỉnh rõ hơn nữa và sớm hoàn thiện bộ tài liệu về sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ gửi tới Hội Chữ thập đỏ các cấp.
Theo ông Trần Văn Tuấn, để bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ cần thường xuyên tập huấn về sử dụng biểu tượng; Thành lập tình nguyện viên truyền thông bảo vệ biểu tượng; Trung ương Hội có văn bản gửi cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để kiểm tra sử dụng biểu tượng đúng qui định pháp luật và công ước quốc tế; Đề nghị Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tập huấn định kỳ trong và ngoài nước về kiến thức, kỹ năng truyền thông bảo vệ biểu tượng “Chữ thập đỏ”.