Lạm dụng biểu tượng Chữ thập đỏ vận động quyên góp để trục lợi

Lã Thị Thúy hằng
Thực tiễn cho thấy việc bảo vệ biểu tượng CTĐ vô cùng khó khăn, một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của biểu tượng, hơn nữa sự nổi tiếng của các biểu tượng này khiến nó dễ bị lạm dụng.

Một số nhóm, cá nhân còn sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ, biểu trưng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để mạo danh vận động quyên góp, bán hàng “từ thiện”… để trục lợi.

Gần đây, công an cả nước đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều đối tượng quản trị các trang fanpage Facebook có các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn núp bóng từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội. Chúng đăng tải những câu chuyện, hoàn cảnh thương tâm cùng đầy đủ các thông tin như: Tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số tài khoản nhân vật cần giúp đỡ (hoặc tài khoản của người viết bài) nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ tiền…

Thế nhưng, đã có không ít trường hợp bị phát hiện, tố giác chỉ là màn kịch của một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc cho người dân.

Điển hình như tài khoản Facebook “Nguyễn Phương Nga” đăng bài viết lên nhóm “Đại Từ quê mình” và ĐẠI TỪ QUÊ MÌNH có hàng chục nghìn thành viên với nội dung: Em xin mọi người hãy bớt chút lòng thơm thảo giúp con với ạ. Lời cầu cứu của người bố đơn thân bị ung thư máu cho con gái bị bỏng. Mẹ con mới mất cách đây 4 tháng do tai nạn khi trên đường đi về nhà. Xin mọi người cứu con với…Con là Đỗ Diệu Linh, con cùng bố con là Đỗ Minh Hậu, sống cùng bà nội tại xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, 19 tháng tuổi bị bỏng….

Tiếp theo, bài viết nêu nguyên nhân sự việc, hoàn cảnh khó khăn, hình thức liên hệ (mọi người có thể trực tiếp đến thăm con tại Khoa Bỏng lầu 2, phòng 102-Bệnh viện trung ương thái nguyên; SĐT bố con (Hậu) 079.7686.xxx hoặc có thể chuyển khoản trực tiếp giúp đỡ cho bố con: Đỗ Minh Hậu: Số tài khoản 0700.6710.8xxx ngân hàng Sacombank… Xin chân thành tri ân… Xin mọi người hãy chia sẻ bài viết này để cứu giúp bé… Cho đi là còn mãi…).

Sau vài tiếng đăng tải, bài viết thu hút hàng trăm lượt người quan tâm, chia sẻ, trong đó đã có không ít người chuyển tiền ủng hộ và đăng ảnh thông báo chuyển tiền thành công trong phần bình luận… Tuy nhiên đến khoảng hơn 21 giờ cùng ngày, sau khi bị phát hiện đăng thông tin sai sự thật, chủ tài khoản đã xóa bài trên các nhóm này.

Là người tin tưởng và đã chuyển khoản ủng hộ tiền, chị N.L.A chia sẻ: Sau khi đọc bài viết, tôi đã vào trang cá nhân của Nguyễn Phương Nga, thấy thông tin là người Thái Nguyên, không có dấu hiệu nick ảo, hơn nữa số tài khoản là của bố cháu bé nên tôi không hề nghĩ ngợi hay băn khoăn gì. Có nhiều người khác cũng tin và chuyển tiền ủng hộ như tôi. Tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ và tìm ra kẻ lừa đảo…

Còn chị Nguyễn Thị Vân (T.P Thái Nguyên) cho hay: Khi bạn bè tôi thông tin về trường hợp khó khăn này, tôi đã liên hệ với Phòng công tác xã hội của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và được biết không có trường hợp nào như vậy. Tôi liền đăng bài cảnh báo trên trang cá nhân Facebook “Cỏ Bợ” của mình khi biết trước đó có một số người bạn đã chuyển tiền vào số tài khoản nêu trên… Đây là bài học, mong rằng mọi người cần xác minh thông tin trước khi chuyển tiền cho người khác.

Vụ Trần Văn Lâm (23 tuổi, ngụ xã Đồng Hóa, H.Kim Bảng, Hà Nam) đã lập trang fanpage Facebook “Hỗ trợ trẻ em”, đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 6,6 tỉ đồng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an (A05) đã phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Lâm để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua việc kêu gọi người hảo tâm đóng góp tiền làm từ thiện.

Theo đó, từ tháng 9/2020, Trần Văn Lâm đã lập trang fanpage Facebook “Hỗ trợ trẻ em”, đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là hoàn cảnh của các cháu nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Đã có hàng nghìn nhà hảo tâm gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng đến tài khoản ngân hàng do Trần Văn Lâm tạo lập, quản lý.

Ngoài ra, Lâm khai nhận đã lập thêm 7 trang fanpage Facebook khác nhằm mục đích tương tự, gồm: “Quỹ bảo trợ trẻ em”, “Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam”, “Phật tại tâm”, “Chia sẻ yêu thương kết nối yêu thương”, “Quan thế âm bồ tát”, “Chia sẻ yêu thương”, “Kết nối yêu thương”. Sau đó, Lâm lấy các bài viết về các trường hợp thương tâm trên các báo điện tử đăng vào các fanpage và chèn số tài khoản của mình vào để các nhà hảo tâm gửi tiền ủng hộ. Sau khi nhận tiền, Lâm không chuyển tiền cho các hoàn cảnh khó khăn mà chi tiêu cá nhân.

Thực tiễn cho thấy việc bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ (CTĐ) vô cùng khó khăn, một trong những nguyên nhân chính là do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của biểu tượng, hơn nữa sự nổi tiếng của các biểu tượng này khiến nó dễ bị lạm dụng.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, với cơ sở pháp lý kép liên quan đến biểu tượng CTĐ (Luật SHTT và Luật Hoạt động CTĐ), để đảm bảo việc sử dụng đúng biểu tượng CTĐ, dấu hiệu là chữ thập đỏ và các dấu hiệu gây nhầm lẫn với biểu tượng của Hội CTĐ quốc tế khác (Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ, Sư tử đỏ) cần phải bị loại trừ ra khỏi các nhãn hiệu được yêu cầu đăng ký bảo hộ. Khi đó, chỉ Hội CTĐ Việt Nam mới có thẩm quyền cấp phép việc cho phép sử dụng biểu tượng CTĐ tại Việt Nam. Cục SHTT và Hội CTĐ Việt Nam cùng phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan đến biểu tượng CTĐ.

a5-1662712321.jpg

Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Ông Trần Lê Hồng nhấn mạnh trong thời gian tới Cục SHTT sẵn sàng phối hợp với Trung ương Hội CTĐ Việt Nam trong các hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc sử dụng đúng biểu tượng CTĐ trong cộng đồng, nhất là trong hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT.

PV