Chuyển đổi số trong các trường đại học ở Việt Nam

Tạp Chí Nhân Đạo
Sáng ngày 9/3/2021, tại Hội trường A204 Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tổ chức chuyên đề “Chuyển đổi số trong các trường đại học ở Việt Nam”.
Về phía khách mời có: TS.Hà Minh Hiệp - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cán bộ của Tổng cục. Về phía nhà trường gồm các thầy trong Ban Giám hiệu: TS Đỗ Quế Lượng- Phó Hiệu trưởng thường trực; GS.TS Nguyễn Công Nghiệp - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; GS.TS Đinh Văn Tiến - Phó Hiệu trưởng; GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Đỗ Minh Cương - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Hà Đức Trụ - Phó Hiệu trưởng; Thầy Trần Đức Minh - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Phạm Dương Châu - Phó Hiệu trưởng và đại diện cán bộ các khoa, phòng, ban, trung tâm đến tham dự.          

Toàn cảnh Hội nghị

            

Tại cuộc họp, TS.Hà Minh Hiệp - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chia sẻ các thông tin; Chuyển đổi số là quá trình chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computinh),… và phần mềm công nghệ để thay đổi phương thức quản lý, điều hành, thay đổi quy trình, phương thức làm việc và thay đổi văn hóa tổ chức. Quá trình phát triển của chuyển đổi số gồm các giai đoạn:
Số hóa (Digitization ): Chuyển thông tin thực sang dạng số để dễ dàng lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ. Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ. Sử dụng phần mềm để làm cho các hoạt động trở lên đơn giản và hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số (Digital transformmation): Sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật,… để thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu một cách toàn diện và triệt để, từ đó dẫn đến sự thay đổi mô hình và cách thức hoạt động của tổ chức.
Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, chuyển đổi số được nhận định là chìa khóa nâng cao hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tổ chức thông qua những ưu điểm nổi bật mà nó mang lại như tối ưu chi phí hoạt động, nâng cao năng suất chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.
Đối với giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy - học.
Các lớp học truyền thống với những nhược điểm như chi phí tổ chức cao, không gian phục vụ hạn chế, thời gian cố định,... sẽ được thay thế bằng các lớp học trực tuyến, lớp học ảo.
Không gian học tập đa dạng hơn, thay vì những phòng thí nghiệm hay phòng mô phỏng truyền thống, thì người học có thể trải nghiệm học tập bằng không gian ảo, có thể tương tác người với người, người với máy như thật thông qua các phần mềm mô phỏng công nghệ VR.


TS.Hà Minh Hiệp - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, chụp ảnh lưu niệm cùng BGH và lãnh đạo các Khoa, phòng, Trung tâm Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Big data sẽ là nguồn dữ liệu vô tận để học tập trải nghiệm về phân tích, dự đoán xu hướng hay dự báo kinh doanh ở mức chính xác cao.
Tài nguyên học tập số trong điều kiện kết nối không gian thật và ảo sẽ vô cùng phong phú, không gian thư viện không còn là địa điểm cụ thể , mà thư viện có thể khai thác mọi lúc mọi nơi.
Chương trình dạy học được thiết kế đa dạng hơn, cụ thể hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu giáo dục các nhân hóa.
Chính vì vậy, hiểu đúng về chuyển đổi số,đánh giá đúng thực trạng để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa rất quan trọng với nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Nắm rõ tinh thần đó, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang nỗ lực đẩy mạnh việc chuyển đổi số toàn bộ quy trình quản lý và đào tạo. Với sứ mệnh lan tỏa tri thức, mô hình dịch vụ mới về chuyển đổi số với tất cả các ngành, lĩnh vực, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, nhà trường cũng đã xây dựng chiến lược cụ thể.

Bài: Nguyễn Đức Bình - Ảnh: Việt Anh