Gương mặt hiền, nụ cười luôn toả nắng, chàng công nhân quê Mê Linh chia sẻ: "Được tôn vinh "Gương mặt trẻ Thủ đô tiểu biểu" em vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được đón nhận vinh dự, lo vì trách nhiệm của mình với cộng đồng sẽ lớn hơn. Trước đây, em vẫn hiến máu và hiến tiểu cầu, coi đây là một việc làm bình thường như bao việc làm khác, khá thoải mái. Nhưng khi được nhận vinh dự này, cộng đồng sẽ biết và quan tâm tới em nhiều hơn, em cảm thấy mình có trách nhiệm lớn hơn so với trước đó".
Từ khi còn học năm thứ nhất hệ cao đẳng Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Hà Nội, Thanh đã tham gia hiến máu. Nhưng phải tới năm 2017, trong một lần bị tai nạn giao thông vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, chứng kiến nhiều người bệnh nặng cần một lượng máu lớn để duy trì sự sống, Thanh mới thấu hiểu giọt máu quý giá biết chừng nào cho sinh mệnh và từ đó càng quyết tâm hiến máu cứu người. Duyên phận đưa Thanh chuyển sang hiến tiểu cầu là sau 3 lần hiến máu, được nhân viên y tế tư vấn, lại biết rằng khoảng cách giữa 2 lần hiến tiểu cầu là 3 tuần, nên có thể sẽ giúp được nhiều người bệnh hơn. Thế là Thanh chuyển sang hiến tiểu cầu từ đó.
Sau khi ra trường, chàng trai làm công việc bán hàng online và chạy grab, nhưng vẫn đều đặn 3 tuần lại đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến tiểu cầu một lần. Thanh tâm sự: "Những lần tới hiến tiểu cầu, thỉnh thoảng em lên tầng 6 Khoa bệnh máu trẻ em, nhìn những em bé duy trì sự sống bằng truyền máu và truyền tiểu cầu, em lại nghĩ tới con mình, thương các cháu vô cùng. Đây cũng là động lực để em tiếp tục duy trì sức khoẻ để cho đi lượng tiểu cầu tốt nhất". Ít ai biết rằng, mỗi lần lên Khoa bệnh máu trẻ em, Thanh đã mang tất cả những quà tặng (sữa, bánh, tiền, gấu bông) được hỗ trợ sau khi hiến tiểu cầu lên cho các em nhỏ. "Em không phân biệt là bạn nhỏ nào, em gặp ai đầu tiên là em tặng lại", Thanh chia sẻ.
Nhắc đến chàng trai quê ở Mê Linh, cộng đồng mạng hẳn chưa quên vào tối 16/8/2022, phóng viên Văn Tuyến (Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội) đăng tải khoảnh khắc tình cờ ghi lại được về "anh grab đáng yêu" trên trang facebook cá nhân. Bài chia sẻ có đoạn: "Chẳng là thấy nút giao Trường Chinh - Tôn Thất Tùng (Hà Nội) đông quá, thế là anh grab nhà ta lao xuống đường, hỗ trợ CSGT điều tiết dòng người đang chen nhau, tranh thủ từng giây để mưu sinh dưới trời nắng nóng. Liên tục di chuyển để điều tiết giao thông, thi thoảng anh grab lại cúi gập người hướng về dòng xe, như để xin lỗi người đi đường nếu như anh vô tình làm phiền. Hà Nội xô bồ, cơ mà vẫn có những câu chuyện đáng yêu thế là cùng!".
Câu chuyện ngay lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng dành cho anh grab những lời yêu thương, cảm kích về những điều giản dị ở Hà Nội. Nhờ chiếc khẩu trang anh grab đeo, nhờ ánh mắt thân quen, một nhân viên của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã nhận ra chàng trai tham gia điều tiết giao thông chính là Nguyễn Văn Thanh, người đã hiến tiểu cầu hơn 100 lần. "Lúc đó đường Tôn Thất Tùng tắc cả 2 chiều, em cũng là người đang tham gia giao thông dừng chờ đèn đỏ, nghe tiếng còi của xe cứu thương phía sau, chỉ có một mình anh CSGT không thể điều tiết cho cả ngã tư đông đúc, em chẳng nghĩ được nhiều, xuống đường trợ giúp, chỉ mong mọi người nhường đường cho xe cứu thương", Thanh kể lại khoảnh khắc đó.
Với một số người, hành động của Thanh có thể là "khác thường", nhưng với "anh grab đáng yêu" lại rất bình thường như nhiều việc mà anh vẫn làm. Đặc biệt, Thanh càng không ngờ rằng, hành động đẹp của mình đã được phóng viên ghi lại và nhận được nhiều tình cảm trìu mến cộng đồng dành cho.
Dù công việc bận bịu, có con nhỏ 5 tuổi, vừa làm công nhân vừa bán hàng online, lại đang theo học liên thông tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhưng Thanh vẫn đều đặn từ Mê Linh sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến tiểu cầu. Bên cạnh đó, nam công nhân còn tích cực vận động, quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng tặng trẻ em vùng cao, trẻ em khó khăn, bệnh hiểm nghèo. Ngoài ra, Thanh còn là tuyên truyền viên tích cực vận động hiến máu nhân đạo. "Nhiều người quan tâm tới những chia sẻ của em trên mạng xã hội, nhất là sau khi em được nhiều báo đài đưa tin, những người thân trong gia đình, bạn bè đã hiểu hơn về việc hiến máu và nhiều người tham gia. Vui nhất là trước đây vợ em không đủ điều kiện hiến máu, nhưng 30 Tết vừa rồi, cô ấy đã đủ điều kiện và tham gia hiến máu lần đầu tiên", Thanh vui vẻ cho biết.
Chia sẻ về những việc làm ý nghĩa đầy tính nhân văn của mình, Thanh tâm sự: "Em không muốn để người bệnh biết em cho máu vì không muốn họ phải mang ơn mình. Dù công việc vất vả tới đâu nhưng em cũng luôn chú ý giữ gìn sức khoẻ để đến hẹn lại hiến được tiểu cầu và chất lượng tiểu cầu tốt nhất dành cho người bệnh. Được làm việc có ích cho cộng đồng, cứu được người bệnh, em cảm thấy rất hạnh phúc. Vì thế, em vẫn tiếp tục duy trì hiến tiểu cầu thường xuyên, cũng như hoạt động cộng đồng trong thời gian tới".