Nỗi niềm với Sài Khao

Tấm Thanh Hóa
Theo chân đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa, tôi lên Bản Sài Khao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát)vào một ngày đầu năm 2024, khi đất trời đang trở mình, chuẩn bị bước vào một mùa Xuân mới. Qua cầu Chiềng Nưa, qua Bản Suối Lóng, con đường vào Sài Khao hiện ra sau màn sương mù, ngoằn nghoèo, nhiều khúc cua, ngoặt liên tiếp và nhiều dốc cao.
image2-21-1707377562.jpeg
Đường vào bản Sài Khao chìm trong màn sương mù, hẹp và quanh co, có nhiểu đoạn dốc cao, hiểm trở

Ngồi trên chiếc xe bán tải của Hội Chữ thập đỏ, thỉnh thoảng tôi lại hạ kính xuống để nhìn ngắm núi rừng cho rõ nét. Bên tai tôi cứ văng vẳng mấy câu thơ trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thẳm thẳm,

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống...”

Rồi tôi bất chợt rùng mình bởi đường vào Sài Khao nhỏ hẹp, một bên là vực thẳm, một bên là vách đá! Tận mắt nhìn cái “ngàn thước xuống” khiến tâm lý con người bỗng lo sợ trước sự hùng vĩ mà hiểm trở của thiên nhiên.

image0-48-1707377512.jpeg
Bản Sài Khao cách biển chỉ dẫn khoảng 50m

Mặc dù mặt đường đã đổ bê tông nhưng chỉ vừa một xe chạy nên thật may mắn khi chúng tôi không gặp xe nào đi ngưc chiều trong suốt hơn 10km đèo dốc. Rồi Bản Sài Khao hiện ra trước mắt chúng tôi với vài mảnh vườn rau nho nhỏ, một căn nhà của đồng bào dân tộc Mông bên đường. 6h30’ sáng, bản còn chìm trong màn sương dày. Tại điểm trường Sài Khao (Trường tiều học Tây Tiến), nhiều tình nguyện viên của các Câu lạc bộ thiện nguyện (CLBTN) đang cùng dân bản vận chuyển hàng hóa vào trong sân trường. Sáng nay, Hội CTĐ tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng một số CLBTN tổ chức chương trình “Tết Nhân ái”, tặng quà cho dân bản và học sinh mầm non, học sinh tiểu học tại Sài Khao.

image4-3-1707377545.jpeg
"Tết Nhân ái" Xuân Giáp Thìn 2024 tại Sài Khao được tổ chức tại trường tiểu học Tây Tiến

Sài Khao là bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Cả bản có 96 hộ dân thì có đến 95 hộ nghèo. Có lẽ, cái nghèo đã đeo đẳng họ từ đời này qua đời khác, hết năm này qua năm khác. Và đến tận hôm nay, cái nghèo vẫn gắn bó mật thiết với họ, không chịu xa rời. Nói đến nguyên nhân của cái nghèo ở Sài Khao, có lẽ chỉ cần đặt chân đến bản, ai cũng đoán ra phần lớn nguyên nhân của cái nghèo “bền vững” nơi này. Địa hình dốc cao nên đất đai bị những trận mưa rửa trôi trở nên bạc màu, cây trồng khó phát triển. Nghề chăn nuôi cũng rất khó khăn vì dân bản không thể trồng đủ lương thực hoặc các loại cây làm thức ăn cho vật nuôi. Bên cạnh đó, do giao thông không thuận tiện nên nếu dân bản có gì để bán thì cũng rất khó vận chuyển ra ngoài. Dân bản chủ yếu sống theo hình thức tự cung, tự cấp.

image5-2-1707377532.jpeg
Đường trong bản Sài Khao là con đường đất, ngay từ sáng sớm, dân bản đã dắt trâu, dắt lợn đi chăn thả

Sài Khao chưa có sóng điện thoại. Điện lưới cũng mới có cách đây chừng 02 tháng”- anh Ngân Văn Hoành, bí thư Đoàn thanh niên xã Mường Lý chia sẻ với tôi. Anh còn cho biết ngoài bản Sài Khao thì xã Mường Lý có bản Xa Lung 62/62 hộ nghèo (bản có 62 hộ); Bản Trung Thắng có 77/80 hộ nghèo. Đặc biệt, bản Trung Thắng là bản 3 không: không đường, không điện, không sóng điện thoại. Mường Lý là xã còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 1.023 hộ thì hiện vẫn còn 755 hộ nghèo.

image1-34-1707377508.jpeg
Chị Ma Thị Sung (người địu con) lấy chồng từ khi 14 tuổi. Hiện tại chị Sung 17 tuổi, chồng chị 20 tuổi, con nhỏ hơn 01 tuổi. Ma Thị Sung và nhiều người dân bản Sài Khao chỉ nghe và hiểu được rất ít tiếng Kinh

Tranh thủ trước giờ trao quà, tôi làm quen và trò chuyện với bà con dân bản. Tôi rất ấn tượng với những người phụ nữ trẻ địu con đến nhận quà Tết. Qua những câu chuyện, tôi được biết nhiều phụ nữ Sài Khao lấy chồng từ khi 14, 15 tuổi, nên khi 16, 17 tuổi, họ đã địu con trên lưng rồi.

image3-14-1707377521.jpeg
Bản Sài Khao có 96 hộ, có 84 học sinh tiểu học và 60 học sinh mầm non. Do kinh tế khó khăn nên nhiều trẻ em còn chưa được ăn no, mặc ấm. Các đoàn thiện nguyện đã hỗ trợ nhiều áo khoác, tất chân cho các em

Tại Sài Khao, nhờ sự vận động tích cực của các ban ngành, đoàn thể nên tình trạng hôn nhân cận huyết thống chỉ còn rất ít và hiếm gặp, nhưng nạn tảo hôn vẫn còn khá phổ biến. Có những cặp vợ chồng lấy nhau khi cả hai chưa đủ tuổi kết hôn, đến khi sinh con phải khai sinh theo ông bà nội để con được đi học (trên giấy khai sinh, bố và mẹ của con thực tế chính là ông, bà nội). Và nạn tảo hôn chắc chắn cũng góp phần vào cái “nghèo bền vững” ở mảnh đất biên cương này. Bởi khi những bạn trẻ chưa trưởng thành, chưa đủ khả năng nuôi sống bản thân, chưa đủ kiến thức để nuôi dạy, chăm sóc con nhỏ thì họ đã làm bố, làm mẹ. Vậy nên, cái nghèo mới có thêm cơ hội bám theo họ mãi, theo mãi...

image0-47-1707377584.jpeg
Khách đến Sài Khao đều dành thời gian thăm bia tưởng niệm đoàn binh Tây Tiến
image1-33-1707377576.jpeg
Bản Sài Khao là địa danh nổi tiếng trong lịch sử 

Một mùa xuân mới lại về, hoa mận, hoa đào đã bừng nở giữa núi rừng biên giới. Mong rằng lần sau trở lại, tôi sẽ được thấy một Sài Khao đổi khác, văn minh hơn, tiến bộ hơn, giàu đẹp hơn !

Tâm Ánh