Thừa Thiên Huế: Hiệu quả dự án WWF Việt Nam tại huyện vùng cao A Lưới

Đặng Thu Hằng
A Lưới là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước đây rác thải nhựa tồn đọng, vứt bỏ tràn lan, trở thành nỗi ám ảnh của người dân về nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vậy nhưng, từ khi Dự án WWF Việt Nam (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam) triển khai thực hiện các hoạt động phân loại, xử lý rác thải nhựa đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng môi trường và đời sống, sinh hoạt của nhân dân nơi đây.

Chung tay phòng chống rác thải nhựa

Nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, huyện A Lưới nói chung, thị trấn A Lưới nói riêng là nơi định cư sinh sống của rất nhiều người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều…Những nét son, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc luôn là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân. Nhờ vậy, thị trấn A Lưới trở thành điểm đến tham quan, khám phá trải nghiệm của đông đảo khách du lịch trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa nói riêng khiến nhiều người có phần ngần ngại khi đến với A Lưới, đến với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

z2957196369089-ca789aebc0809a1b784e2490602f6dca-1694577821.jpeg
Ra quân dọn sạch rác thải tại những điểm nóng tại A Lưới. 

Trên đây chỉ là những cảm nhận của những người đã lâu không về A Lưới, còn thời điểm hiện tại kể từ khi Ban Quản lý dự án WWF Việt Nam (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam) ký kết phối hợp với chính quyền và Hội liên hiệp phụ nữ huyện A Lưới trong hoạt động truyền thông phòng chống rác thải nhựa, nhân rộng mô hình tái sử dụng túi nilon đã qua sử dụng, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường và cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Cũng nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông gắn với thực tiễn nên mọi người đều đã nâng cao ý thức, trách nhiệm chung tay phòng chống rác thải nhựa, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

z4405344326228-afb43ccba6e4726a30a7ac80c35fd8ea-1694577685.jpeg
Dọn dẹp vệ sinh trên trục đường giao thông xã Hồng Thái.

“Mỗi lần đi chợ tôi xách giỏ mua hàng, hạn chế tôi đa sử dụng túi ni long, chai lọ dùng một lần. Việc phân loại, xử lý rác tại nhà được thực hiện nghiêm túc, nhất là không vứt rác thải nhựa khó phân hủy ra môi trường. Điều đó vừa làm sạch môi trường, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe trong cộng đồng. Hành vi, nhận thức của mỗi người về chống rác thải nhựa đã thực sự đi vào cuộc sống. Tôi thấy các hoạt động truyền thông, lồng ghép phòng chống rác thải nhựa rất thiết thực, bổ ích và hiệu quả tại thị trấn A Lưới”, Bà A Thị Đon ở thị trấn A Lưới chia sẻ.

Qúa trình triển khai thực hiện dự án giảm thiểu rác thải nhựa của tổ chức WWF Việt Nam các bên liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động truyền thông, xây dựng các công trình, phần việc cụ thể. Chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân đều vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng, thu hút toàn thể cán bộ, hội viên đồng tình, hưởng ứng cao. Từ đó các công trình “Điểm tập kết xanh”, xóa bỏ điểm nóng về rác thải, mô hình trồng hoa, cây cảnh trong lốp xe ô tô, lắp đặt camera giám sát...được thực hiện tại nhiều tuyến đường, khối phố. Cùng với đó các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác được thực hiện kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng quá tải, gây ô nhiêm môi trường.

“Các điểm nóng về tập kết rác sai quy định trên ngã 3 đường Kim Đồng và Đường A Đon và một số nơi khác đã được giải tỏa, thu dọn sạch sẽ, không khí trong lành, môi trường thân thiện. Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, chúng tôi tiếp tục phát động các đoàn viên, thanh niên duy trì hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cùng hạn chế rác thải nhựa, tiến tới tiêu dùng xanh, nói không vứi sản phẩm nhựa dùng một lần”, đại diện Ban Thường vụ Huyện Đoàn A Lưới cho biết.

Xây dựng đô thị xanh, thân thiện môi trường.

Thị trấn vùng cao A Lưới đang ngày càng phát triển khang trang, các công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Tuy nhiên, dân số phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng là những nguyên nhân dẫn đến rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng ngày càng phát sinh, ảnh hưởng đến môi trường cuộc sống. Do vậy, hoạt động truyền thông phòng chống rác thải nhựa được duy trì thường xuyên, liên tục. Nội dung ký kết giữa cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể với Ban Quản lý dự án WWF Việt Nam được thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học, có kiểm tra, đánh giá cụ thể. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều ký kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như: Chai nước, ống hút nhựa, cốc, đĩa nhựa, túi nilon... Điều đó cho thấy dự án đã có những tác động rất tích cực, toàn diện ở huyện vùng cao A Lưới.

Điểm nổi bật trong hoạt động truyền thông, đó là các chương trình, hành động “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, “Ngày Chủ nhật xanh”, diễn đàn “Em yêu môi trường”, “Em yêu khoa học”, các khóa tập huấn “Nâng cao kiến thức về môi trường và rác thải nhựa”, mô hình “Chợ giảm sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần”, mô hình chợ “Quầy hàng xanh”…đã mang lại hiệu quả thực chất, tạo chuyển biến sâu rộng trong nhận thức và hành động của người dân, tiểu thương kinh doanh và các em học sinh. Từ đó tại các điểm du lịch cộng đồng, các khối phố, khu dân cư, chợ đầu mối, trường học đều đảm bảo môi trường trong lành, sáng- xanh- sạch- đẹp- an toàn.

z3887461742306-bedc33cdf527f1c2097c8613a5d7ddaf-1694577967.jpeg
Đội tình nguyện tặng giỏ đi chợ cho người dân.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Quỳnh Tường- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới cho biết, với sự hỗ trợ tích cực, đồng bộ của dự án WWF Việt Nam công tác phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn đã mang lại hiệu quả rõ nét. Tất cả chị em phụ nữ đều thay đổi hành vi, nhận thức, chung tay phòng chống rác thải nhựa, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Chúng tôi tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đẩy mạnh hoạt động truyền thông và thực hiện tốt hơn việc phân loại, xử lý rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng, đặc biệt là xử lý rác thải bằng phương pháp IMO tại hộ gia đình nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xử lý rác thải nhựa là việc làm lâu dài, thường xuyên, trong đó hành vi, nhận thức luôn được cho là yếu tố quyết định, góp phần giữ vững phong trào tại huyện vùng cao A Lưới. Bởi gần đây thị trấn A Lưới đang nỗ lực xây dựng đô thi xanh, khơi dậy, phát huy các giá trị du lịch cộng đồng. Môi trường xanh, sạch, đẹp là điều hết sức quan trọng không chỉ trong thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững trong tương lai.

“Dự án WWF Việt Nam triển khai tại A Lưới đã mang lại hiệu quả tích cực, toàn diện, tác động sâu rộng đến đời sống người dân. Rác thải nhựa, túi ni long, bao bì, chai lọ…được xử lý đúng quy trình trong thị trấn và vùng phụ cận. Dự án đã góp phần quan trọng trong xây dựng đô thị xanh- sạch- đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả tích cực của dự án WWF Việt Nam tại huyện A Lưới”, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Hoàng Tiến