Quảng Nam từng bước kiểm soát rác thải nhựa, hướng tới điểm du lịch xanh

Đặng Thu Hằng
Những năm qua, nhận thức được tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với môi trường và sức khỏe, Quảng Nam ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ môi trường đặc biệt là rác thải nhựa một cách kịp thời, hiệu quả. Nhờ vậy chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, môi trường đất, các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, các nguồn thải, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm trên địa bàn Quảng Nam từng bước được kiểm soát...

Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch tổ chức chương trình kích cầu thu hút khách du lịch đến địa phương năm 2023 với chủ đề "Quảng Nam - Cảm xúc mùa hè". Theo đó, chương trình nhằm thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Nam với thông điệp "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh", khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Nam là điểm đến thân thiện, mến khách.

Những năm qua, nhận thức được tác hại của sản phẩm nhựa sử dụng một lần đối với môi trường và sức khỏe, Quảng Nam ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ môi trường đặc biệt là rác thải nhựa một cách kịp thời, hiệu quả. Nhờ vậy chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, môi trường đất, các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, các nguồn thải, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm trên địa bàn Quảng Nam từng bước được kiểm soát.

Tỉnh đã khắc phục, xử lý cơ bản các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phát sinh cơ sở mới gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đáng chú ý, môi trường tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, khu dân cư được cải thiện. Trong số 7 khu công nghiệp đang hoạt động thì có 6 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn quốc gia trên phạm vi toàn tỉnh là hơn 60%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,7%.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhìn nhận, những năm qua Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn Quảng Nam tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc phản biện, theo dõi, giám sát, tố giác tội phạm về môi trường. Đặc biệt, các phong trào như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chống rác thải nhựa”… được các cấp, ngành triển khai mạnh mẽ. Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn được thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo các làng quê.

Từ năm 2009, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã “nói không với rác thải nhựa”, khởi đầu với mô hình nói không với túi nilon, chai nhựa dùng một lần tại đảo Cù Lao Chàm, một điểm đến du lịch nổi tiếng ở xã Tân Hiệp, thành phố Hội An. Mùa cao điểm du lịch, mỗi ngày Cù Lao Chàm đón gần 3.000 khách từ đất liền ra tham quan đảo, rác thải từ hoạt động du lịch có thể nói là một áp lực rất lớn đối với môi trường của Khu dự trữ sinh quyển thế giới này. Nhiều chương tình, dự án giảm rác thải nhựa đã được phổ biến cho bà con sống trên đảo để vừa phát triển du lịch vừa bảo vệ môi trường.

Có thể kể đến như chương trình ngư dân mang rác về bờ của bà con Cù Lao Chàm nhận được nhiều sự hưởng ứng tích cực. Đó chính là chân dung những “vị cứu tinh” bảo vệ bãi biển xanh Cù Lao Chàm, chung tay góp sức đẩy lùi mối đe dọa ô nhiễm biển. Nằm trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chủ trì làm việc với đại diện UBND và Hội Nông dân xã Tân Hiệp thực hiện thu gom rác thải nhựa đại dương thông qua mô hình Ngôi nhà đại dương.

ngu-dan-mang-rac-ve-bo-1693196123.jpeg
Ngư dân mang rác về bờ.

Các hành động giảm rác nhựa bao gồm thu gom và phân loại rác, và tuyên truyền rộng rãi tới từng bà con, 150 ngư dân đã tham gia thực hành giảm nhựa đạt được những kết quả đáng khích lệ sau khi triển khai mô hình: Nhiều rác thải nhựa có hại cho môi trường biển như chai lọ, bao ni lông, xốp; lưới hỏng, cước và các ngư cụ khác được “đưa về bờ”; Thu gom được gần 219,3 kg rác thải, trong đó rác vô cơ chiếm tỷ lệ 96,14% với gần 210,85kg.; Rác tái chế khoảng 8,45kg chiếm tỷ lệ 3,86% thành phần chủ yếu là vỏ chai, vỏ lon nhôm.

Những con số ấn tượng nói trên đã chứng minh rằng nỗ lực dẹp tan “giặc” nhựa khỏi biển xanh là hoàn toàn khả thi khi có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất từ doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Giờ đây những con thuyền của các bác ngư dân không chỉ chở tôm cá đầy ghe, mà còn kiêm thêm sứ mệnh vận chuyển rác thải nhựa về bờ để tái chế và xử lý.

Hay như cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF) đầu tiên tại Cù Lao Chàm. Nhiều người dân nơi đây còn gọi thân thương là mô hình không rác thải ( Zero Waste ).Tham gia mô hình, các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thành 2 loại theo quy định của địa phương là rác dễ phân hủy và rác khó phân hủy. Sau đó, rác dễ phân hủy được phân loại thành rác khô để ủ compost (Ủ nhiệt sinh học là phương pháp sử dụng chủ yếu phế thải thực vật, phân của động vật thông qua hoạt động trực tiếp hay gián tiếp của vi sinh vật, phân hủy và làm tăng cao chất lượng của sản phẩm, tạo nên phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng, cung cấp cho cây trồng) ngoài trời, rác ướt được đưa vào các thùng ủ có men vi sinh và một số loại vỏ trái cây được tận dụng để tái chế làm nước tẩy rửa đa dụng. Rác khó phân hủy được phân loại thành rác tái chế (các loại có thể bán cho bên thu mua phế liệu), rác nhựa cấp thấp được gom lại để chuyển cho cơ sở tái chế, và rác còn lại không thể xử lý được sẽ chuyển cho đơn vị thu gom công cộng để vận chuyển đến cơ sở xử lý rác tại Eo Gió.

Trải qua 1 năm vận hành, các cơ sở MRF đã đạt được một số kết quả khả quan: Tiếp nhận hơn 17 tấn rác từ 60 hộ gia đình tham gia thí điểm; Phân loại và tái chế khoảng 8 tấn rác hữu cơ; Thu hồi 182kg rác tái chế, 490kg rác nhựa giá trị thấp để chuyển cho cơ sở phế liệu và tái chế; Lượng rác còn lại phải chuyển lên cơ sở xử lý rác của xã chỉ còn khoảng 8,5 tấn; Góp phần giảm thiểu hơn 50% lượng rác thải ra môi trường.

Không chỉ là sáng kiến tái chế và giảm nhựa thiết thực, những cơ sở MRF còn dần thuyết phục bà con vùng “Đảo Ngọc”, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường và thói quen phân loại rác hàng ngày. Với những thành công bước đầu, mô hình MRF sẽ tiếp tục nhân rộng tại đây, từng bước hướng đến xây dựng Cù Lao Chàm trở thành “Hòn đảo không rác thải”.

Cao Phúc