Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Đặng Thu Hằng
Sáng ngày 17/5/2024, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cùng sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”.

Tham dự Diễn đàn có: Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội; Ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng, Cục Kiểm soát ô nhiễm và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); GS. TS Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam; TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT); PGS.TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng; các lãnh đạo Hội, hiệp hội trong khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu.

Về phía đơn vị tổ chức có: Ông Nguyễn Linh Ngọc – Chủ tịch Hội, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bà Phạm Thị Xuân - Phó Chủ tịch thường trực Hội; Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Hội; Ông Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội; Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội; Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống và các lãnh đạo Trung tâm, phòng, ban của Hội.

Cùng đại diện hơn 30 Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành. Và đại diện các Công ty hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường trên cả nước.

Diễn đàn còn có mặt của các PV báo đài đến dự và đưa tin và sự đồng hành thiết thực đến từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương đã hỗ trợ, góp phần chung tay vì sự thành công của chương trình.

dien-dan-rac-thai-2.jpgToàn cảnh buổi Diễn đàn

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây được kỳ vọng là một bước đi đột phá để cải thiện vấn đề ô nhiễm và quá tải do rác thải, cũng như lãng phí tài nguyên ở Việt Nam.

Tuy nhiên để thực thi các quy định này điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thiếu đồng bộ, thì cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống. Bởi thực tế đã cho thấy, những khó khăn, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác đang là một trong những thách thức lớn đối với phân loại rác thải sinh hoạt tại các địa phương hiện nay.

Với ý nghĩa to lớn đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức Diễn đàn: "Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt".

Điều đáng nói, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên để thực thi các quy định này, “điều kiện cần” là một quy chuẩn vận hành, còn “điều kiện đủ” là quy trình phân loại - thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ.

Vì thế, Diễn đàn nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt… về những khó khăn, sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng thu gom, xử lý rác đang là một trong những thách thức lớn đối với phân loại rác thải sinh hoạt tại các địa phương hiện nay.

Diễn đàn là dịp để các đơn vị nêu ra thực trạng, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt hiện nay; khó khăn về thiết bị, hạ tầng cơ sở, các điểm tập kết cũng như nguồn kinh phí bố trí cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương.

Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đi vào thực tiễn.

Tại diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra 6 điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trong đó, Điều 75 của Luật này đã quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Điều đáng nói, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên để thực thi các quy định này, “điều kiện cần” là một quy chuẩn vận hành, còn “điều kiện đủ” là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải đến nay vẫn chưa được thực hiện đồng bộ.

Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thiếu đồng bộ, thì cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống.

“Phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý Rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn”, TS Ngọc cho biết.

Nhiều nhà máy xử lý chất thải “ngại” tiếp nhận chất thải sinh hoạt

Thực tế đã cho thấy, những khó khăn, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng thu gom, xử lý rác đang là một trong những thách thức lớn đối với phân loại rác thải sinh hoạt tại các địa phương hiện nay.

Chung quan điểm, ông Lê Hải Bằng, Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết, trên địa bàn tỉnh có gần 300 dự án sản xuất, kinh doanh cùng 11 cụm công nghiệp.

Ông nhìn nhận, sự phát triển của các cụm công nghiệp đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh, tuy nhiên, cũng đặt ra vấn đề về việc quản lý chất thải công nghiệp.

Nêu một số vướng mắc, khó khăn trong công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại tỉnh Thái Nguyên, ông Bằng chỉ ra bao gồm: khó khăn về nguồn nhân lực, không được hướng dẫn cụ thể khi nhận quyết định phụ trách công việc quản lý chất thải rắn, nhiều nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh còn “ngại” tiếp nhận chất thải sinh hoạt hay hạ tầng về thu gom, xử lý rác thải vẫn chưa được đồng bộ...

Bên cạnh những lý do trên, ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, nhiều người coi thường chuyện thu gom rác và cho rằng đó là việc của công nhân môi trường.

Không công nghệ nào xử lý được, phải phân loại rác ngay từ đầu

Không chỉ khó khăn với các địa phương, ngay cả với những đơn vị thực hiện thu gom rác cũng có những vướng mắc trong quá trình triển khai.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Lân, đại diện Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương cũng chia sẻ, với đặc thù rác thải ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung là rác thải chưa phân loại, không có công nghệ nào xử lý được nếu không tiến hành phân loại rác ngay từ đầu.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng sẽ gặp phải một số khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt như khó khăn về nguồn vốn khi chi phí thu gom, xử lý còn tương đối cao. Về công nghệ, Công ty cho biết, đa phần rác thải sinh hoạt ở Việt Nam có độ ẩm cao, nhiều chất hữu cơ và chưa được phân loại.

Vì vậy, nếu áp dụng nguyên mẫu công nghệ của các nước Âu - Mỹ hay Nhật vào Việt Nam thì sẽ không hiệu quả, nếu xét cả về tài chính và kỹ thuật.

Đưa ra nhận định cho đến thời điểm hiện tại, việc phân loại rác thải tại nguồn và công tác quản lý nhà nước về vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết thêm, dự kiến trong năm 2025, Quốc Hội sẽ thực hiện hoạt động giám sát tối cao trong lĩnh vực môi trường.

"Đây cũng là dịp để rà soát lại những nội dung của công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt", ông nói.

Có thể thấy, để việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày một tốt hơn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi người dân cần thay đổi thói quen, nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm, vì cộng đồng.

PV