Những tín hiệu tích cực trong giảm thiểu rác thải nhựa tại Long An

Đặng Thu Hằng
Trong những năm qua, tỉnh Long An đang từng bước xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả các vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm; khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Tại Long An, theo số liệu thống kê, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và vận chuyển xử lý tại các khu vực đô thị khoảng 700 - 730 tấn/ngày, với tỷ lệ chất thải nhựa chiếm từ 8-12% rác sinh hoạt, tương đương khoảng 56 - 87 tấn/ngày. Trong đó, sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon chiếm tỷ trọng khá lớn. Lượng rác thải này là “gánh nặng” đối với cơ sở vật chất hiện có của tỉnh.

Trước tình trạng đó, nhiều năm qua Long An đã tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Tỉnh Long An cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa; thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong việc thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế nhựa; thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu dân cư,… Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Đơn cử như tại các cuộc họp, đa số các đơn vị sử dụng chai thủy tinh và sản phẩm dùng nhiều lần để thay thế chai nhựa; các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại dùng lá chuối gói rau, dùng túi thân thiện môi trường, qua đó kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.

1287389-7-6-2023-thuy-hung-la-rac-thai-nhua-chiem-10-20-trong-tong-so-rac-thai-3-13582407-1703666682.png
Tỉnh Long An khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.

Ngoài ra, tỉnh Long An từng bước xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả các vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm; khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Hay như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ tiên phong, đi đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa khi thành lập Câu lạc bộ Phân loại rác tại hộ gia đình. Năm 2018, câu lạc bộ được thành lập với 20 thành viên. Khi tham gia câu lạc bộ các thành viên được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, túi nylon đối với môi trường; phổ biến một số kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường; hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải từ gia đình.

Đặc biệt, thông qua mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ vận động các thành viên câu lạc bộ đóng góp chai nhựa để gây quỹ giúp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài duy trì Câu lạc bộ Phân loại rác tại hộ gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ còn phát động phong trào Biến rác thành tiền, mô hình Ngôi nhà xanh gây quỹ đồng hành phụ nữ và trẻ em nghèo, Xách giỏ đi chợ,...

127-2023-38-278-8451-1703666794.jpg
Phong trào Biến rác thành tiền do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ) phát động được đông đảo hội viên tham gia. (Ảnh: Báo Long An)

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm Chủ tịch Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thị trấn Tân Trụ cho biết: "Hầu hết mô hình đều hướng đến việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ đối với công tác bảo vệ môi trường. Qua đây, góp phần giúp Hội có thêm nguồn kinh phí thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở địa phương. Thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả".

Nhà bà Võ Thị Dẫn (khu phố Bình Lợi, thị trấn Tân Trụ) nằm trong hẻm, xe lấy rác không vào được. Trước đây, bà thường xử lý rác bằng cách gom lại rồi đốt. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến môi trường do khí CO2 thải ra. Từ khi tham gia câu lạc bộ Phân loại rác tại hộ gia đình, bà bố trí 3 thùng rác gồm vô cơ, hữu cơ và tái sử dụng. Rác hữu cơ sẽ được ủ với men vi sinh làm phân bón cho cây; rác tái sử dụng sẽ đem đến khu phố Bình Lợi ủng hộ phong trào "Biến rác thành tiền" nhằm giúp phụ nữ và trẻ em nghèo; rác vô cơ thì đợi xe lấy rác đến thu gom.

Bà Dẫn chia sẻ: "Ban đầu, tôi cũng gặp khó khăn trong việc phân loại rác. Thế nhưng, làm riết thành thói quen, thậm chí, khi đến nhà người quen thấy họ để rác không phân loại là tôi nhắc nhở ngay. Mỗi người cùng chung tay, góp sức thì sẽ góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường".

long-an-1703666650.jpeg
Phụ nữ xách giỏ đi chợ và sử dụng túi nilon tự hủy sinh học thân thiện với môi trường tại huyện Bến Lức. Ảnh: Báo Long An

Nhằm hướng tới một tương lai giảm thiểu rác thải nhựa, được biết, UBND tỉnh Long An đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025" trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chung mà tỉnh đề ra tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử, trách nhiệm của toàn xã hội trong việc quản lý rác thải nhựa, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thải rác thải nhựa ra môi trường.

Tỉnh cũng đề ra mục tiêu cụ thể, trong đó, người dân được cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở trong công tác phòng, chống rác thải nhựa; chú trọng tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng, loại bỏ các sản phẩm nhựa, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn tài nguyên, môi trường. Các cơ quan báo chí, truyền thông viết về lĩnh vực môi trường và xã hội, cán bộ truyền thanh cấp huyện, cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về công tác phòng, chống rác thải nhựa. 90% người lao động làm việc trong các doanh nghiệp; học sinh, sinh viên các cấp học trên địa bàn được cung cấp kiến thức, thông tin thiết yếu về phòng, chống rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cũng đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) thực hiện nhiều hoạt động để cải thiện, giảm thiểu rác thải nhựa như: Thí điểm phân loại rác tại nguồn; Thu gom riêng các loại chất thải đã được phân loại; thử nghiệm làm phân hữu cơ từ rác đã phân loại….

Đặc biệt, WWF đã hoàn thành Đề án Quản lý rác thải cho tỉnh, thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn tại Phường 3 (thành phố Tân An) với quy mô hơn 4.800 hộ dân. Dự án hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết, bao gồm việc phát gần 10.000 thùng rác cho các hộ gia đình, hỗ trợ mua 2 xe tải thùng để thu gom riêng các loại rác đã được phân loại, tuyên truyền và tập huấn về lợi ích và cách thức phân loại rác tại nguồn cho khoảng 1000 cán bộ và người dân; xoá bỏ hết các đống rác tự phát trên địa bàn triển khai thí điểm. Đến nay, mô hình phân loại rác này đã thể hiện tính khả thi và hiệu quả cao và được UBND tỉnh Long An công nhận kết quả triển khai, đồng thời áp dụng với quy mô rộng hơn. Đây chính là một thành công lớn trong quá trình thực hiện dự án của WWF Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: "Để chống ô nhiễm, đầu tiên chúng ta giảm thiểu việc phát sinh, do là nhựa dễ tiếp cận do giá thành rẻ và tính tiện dụng của nó, do đó, để giảm thiểu thì phải là sự chung sức, đồng lòng của mọi người đều cùng bớt sử dụng rác thải nhựa đi, đặc biệt là những rác thải sử dụng 1 lần. Song song đó chúng ta tăng cường thu gom, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa."

Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường còn phối hợp liên tịch với các tổ chức, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động,… để tuyên truyền sâu rộng tới đoàn viên, hội viên về hoạt động bảo vệ môi trường. Mỗi hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong việc giảm rác thải nhựa, giữ gìn môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng kêu gọi, khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nylon, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng. Khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ mội trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm vảo vệ môi trường.

Vĩnh Long