Thành phố Đồng Hới: Xử lý rác thải nhựa thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

Đặng Thu Hằng
Thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) là đô thị ven sông, ven biển Nhật Lệ thơ mộng với nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế- xã hội. Những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc xử lý rác thải nhựa đã góp phần xây dựng môi trường đô thị xanh- sạch- đẹp, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Thay đổi tư duy, nhận thức trong xử lý rác thải nhựa

Thành phố Đồng Hới hiện có 15 phường, xã, dân số khoảng hơn 10 vạn người. Trong xu thế hội nhập, phát triển, cư dân vùng đô thị đã đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó hoạt động kinh doanh thương mại- dịch vụ và khai thác kinh tế biển là chủ đạo. Dân số phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, các chương trình dự án lớn được đầu tư xây dựng kéo theo khối lượng rác thải nhựa phát sinh trong cộng đồng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Để xây dựng thành phố phát triển bền vững, theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức trong cộng đồng về xử lý rác thải sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa nói riêng. Đặc biệt, kể từ khi Ban Quản lý dự án WWF Việt Nam (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam) ký kết phối hợp với chính quyền và Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Đồng Hới trong hoạt động truyền thông phòng chống rác thải nhựa, nhân rộng mô hình tái sử dụng túi nilon đã qua sử dụng, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường và cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân.

“Trước đây, khi đi biển các ngư dân thường có thói quen sử dụng nước giải khát sau đó vứt thẳng xuống biển, chai lọ trôi nổi bồng bềnh vừa gây mất mỹ quan vừa tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường biển. Từ khi dự án WWF Việt Nam triển khai thực hiện, trên thuyền chúng tôi luôn trang bị sẵn thùng đựng chai lọ để thu gom đưa về một mối. Do vậy vùng biển thành phố Đồng Hới trở nên sạch đẹp hơn, nước biển trong xanh, nguồn lợi thủy sản dồi dào, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác kinh tế biển”, ngư dân Nguyễn Văn Khánh- thành phố Đồng Hới chia sẻ.

z4685776035997-2d30bf0eb1b3052e902d6d47d983209a-1694491865.jpg
Ngư dân mang rác về bờ.

Bờ biển ven thành phố Đồng Hới kéo dài, các chợ, trung tâm thương mại hoạt động ngày càng sầm uất. Theo đó, hoạt động truyền thông phòng chống rác thải nhựa, nhân rộng mô hình tái sử dụng túi nilon đã qua sử dụng...được triển khai đồng bộ, hiệu quả từ các cấp hội phụ nữ, hội nông dân đến tận từng hội viên. Việc phân tích, làm rõ tác hại của rác thải nhựa nói chung, túi nilon nói riêng đối với đời sống con người, môi trường; sự cấp thiết của việc nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, tiến tới nói không với rác thải nhựa trong cuộc sống, sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường bền vững đã mang lại kết quả toàn diện. Mọi người dân đều nâng cao ý thức, trách nhiệm, chung tay phòng ngừa rác thải nhựa, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

“Nếu như trước đây do thói quen trong sinh hoạt nên việc sử dụng đồ nhựa, túi nilon trên địa bàn thành phố Đồng Hới diễn ra khá phổ biến thì nay hầu hết mọi người đều hạn chế sử dụng. Vì tất cả đều nhận thức rõ rác thải nhựa khó phân hủy sẽ gây nên nhiều hệ lụy với môi sinh, môi trường, thậm chí gây nguy hại cho sức khỏe của người sử dụng. Hiện nay, các chị em trong tổ dân phố đều xách giỏ đi chợ mua hàng, góp phần giảm áp lực về rác thải nhựa rất lớn”, chị Lê Thị Anh ở phường Bắc Lý- thành phố Đồng Hới chia sẻ.

Xây dựng đô thị xanh, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

Sở hữu vị trí địa lý đắc địa, thành phố Đồng Hới hội tụ các yếu tố phát triển kinh tế- xã hội, nhất là phát triển du lịch. Các tuyến giao thông Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, đặc biệt là biển Nhật lệ thơ mộng uốn vòng cung ôm thành phố đã tạo điểm nhấn hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong lành thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn về xây dựng các công trình, dự án du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp. Phát triển đô thị xanh, hướng ra biển là mục tiêu, định hướng chiến lược bước đầu khá thành công ở thành phố Đồng Hới, trong đó vai trò của việc xử lý hiệu quả rác thải nhựa hết sức quan trọng. Đây được cho là yếu tố then chốt, nâng cao hiệu quả xử lý môi trường, đặc biệt là chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Trao đổi với phóng viên, bà Mai Thị Nhàn– Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đồng Hới cho biết, được hưởng lợi từ các chương trình dự án, đặc biệt là Ban Quản lý dự án WWF ký kết hoạt động truyền thông phòng chống rác thải nhựa, nhân rộng mô hình tái sử dụng túi nilon đã qua sử dụng bước đầu đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Toàn thể hội viên phụ nữ đã thay đổi nhận thức, hành vi về xử lý rác thải, các điểm đen rác thải tự phát, trong đó có rác thải nhựa được xóa bỏ kịp thời. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều ký kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như: Chai nước, ống hút nhựa, cốc, đĩa nhựa, túi nilon... Điều đó cho thấy dự án đã có những tác động rất tích cực.

z4685775868119-efa49e65e1d186269d30ab3213ac4041-1694491863.jpg
Người dân thay đổi nhận thức và hiểu hơn về tác hại của rác thải nhựa.

Bà Mai Thị Nhàn thông tin thêm, điểm nổi bật, mô hình “Phụ nữ Đồng Hới nói không với rác thải nhựa dùng một lần”, mua túi vải sử dụng để đi chợ, đi siêu thị… nhằm hạn chế túi nilon ra môi trường; ra mắt điểm “Chi hội 5 không 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thực hiện các nội dung, hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Xây dựng mô hình mới, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình đã có trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại các xã, phường. Hạn chế sử dụng túi nilon, “Nhà sạch, ngõ đẹp”, chung tay xây dựng nhà sạch, ngõ đẹp, phố văn minh, tiết kiệm từ phân loại rác thải để xây dựng đường hoa, gia đình “Không có bạo lực gia đình”, đặt thùng rác trên các tuyến đường, thu gom phế liệu làm quỹ,…. Kết quả đã tổ chức được 58 buổi phát động, tuyên truyền về vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa cho 6,350 người tham gia; đặt 3,248 thùng rác trên các tuyến đường; phát 3,766 làn nhựa, 885 chai thuỷ tinh, các sản phẩm thân thiện môi trường cho chị em đi chợ đi mua hàng nhằm hạn chế túi nilon, rác thải nhựa dùng một lần; tuyên truyền, vận động HVPN không sử dụng chai nhựa trong các buổi hội, họp, phân loại rác thải tại gia đình và bán lấy tiền tiết kiệm xây dựng quỹ với tổng số tiền trên 569 triệu đồng, góp phần thực hiện hiệu quả CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

“Cùng với các hoạt động thu gom, xử lý rác thải nhựa, mô hình “Phân loại, thu gom phế liệu bảo vệ môi trường và xây dựng quỹ tình thương” được các cấp Hội và hội viên hưởng ứng tích cực và duy trì thường xuyên. Đến nay đã có 144/144 chi hội thực hiện mô hình (đạt tỷ lệ 100%) , trong 02 năm hội viên phụ nữ thành phố đã phân loại, thu gom phế liệu bán thu được số tiền trên 590 triệu đồng để thăm tặng quà, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo và các hoàn cảnh khó khăn với 2,076 suất trị giá 393.220.000 đồng. Thực hiện đồng loạt các mô hình “Mỗi hộ gia đình có 1 thùng rác hợp vệ sinh”, “Thùng rác hộ gia đình”, “Mỗi hộ gia đình có 1 thùng rác sạch - đẹp - văn minh”,… với 25.554 thùng rác được lắp đặt và sử dụng”, bà Mai Thị Nhàn vui mừng chia sẻ.

Rõ ràng các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kiến thức phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình; cấp phát thùng ủ rác thực hiện mô hình sản xuất phân hữu cơ bằng vi sinh bản địa IMO; các hoạt động truyền thông phòng chống rác thải nhựa tại các cơ quan, trường học ở thành phố Đồng Hới được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Mỗi người đều chủ động, tự giác và triển khai các chương trình hành động để giảm thiểu rác thải nhựa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Dự án WWF Việt Nam triển khai tại thành phố Đồng Hới đã mang lại hiệu quả tích cực, toàn diện, tác động sâu rộng đến đời sống người dân. Rác thải nhựa, túi nilon, bao bì, chai lọ…được xử lý đúng quy trình trong thành phố và trên biển. Dự án đã góp phần quan trọng trong xây dựng đô thị xanh- sạch- đẹp, đô thị thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Chính quyền các cấp luôn ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả tích cực của dự án WWF Việt Nam tại thành phố Đồng Hới”, ông Hoàng Ngọc Đan- Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới chia sẻ.

z4685776247319-62fe7006671c8ca46b4e01985caf53b3-1694491864.jpg
Dự án WWF Việt Nam triển khai tại thành phố Đồng Hới đã mang lại hiệu quả tích cực, toàn diện, tác động sâu rộng đến đời sống người dân.

Thành phố Đồng Hới đang trên đà phát triển, đời sống, sinh hoạt của nhân dân từng bước được nâng cao. Bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và người dân, có thể khẳng định dự án WWF triển khai tại thành phố Đồng Hới đã mang lại kết quả rõ nét, bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.

Hoàng Tiến