Phân loại rác thải nhựa đúng cách để bảo vệ ngôi nhà chung trái đất

Đặng Thu Hằng
Rác thải nhựa là một trong những vấn đề “đau đầu” của toàn nhân loại. Việc lạm dụng sản phẩm nhựa và thu gom, tái chế, sử dụng không tương thích sẽ xuất hiện một loại chất thải nhựa tràn lan trong môi trường, gây nên hiện tượng "ô nhiễm trắng" và sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống của con người và môi trường xung quanh. Do vậy, chúng ta cần phải biết phân loại rác thải nhựa sao cho đúng cách để bảo vệ ngôi nhà chung trái đất.

Rác thải nhựa là những đồ dùng, vật dụng có chất liệu làm từ nhựa và không còn giá trị sử dụng. Rác thải nhựa gồm túi nilon, vỏ chai, cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần… Tuổi thọ của những vật dụng chất liệu nhựa có thể lên đến hàng trăm năm. Vậy nên, khi rác thải nhựa tồn tại ở ngoài môi trường, chúng rất có hại cho đời sống của con người.

trung-quoc-tao-ra-luong-rac-651621825340-1694588591.jpeg
Rác thải nhựa là một vấn nạn. 

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực loại bỏ, đại dịch COVID-19 đã khiến lượng chất thải nhựa tăng đột biến trở lại trong khoảng 3 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, xu hướng các hộ gia đình tăng chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống là động lực tăng trưởng chính cho phân khúc bao bì nhựa, trong khi tăng trưởng xây dựng nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho phân khúc nhựa xây dựng.

Việt Nam được xếp vào một trong những nước có lượng rác thải cao hàng đầu thế giới. Chính vì nhận thức về sự nguy hại của rác thải nhựa vẫn chưa đầy đủ, còn rất nhiều cá nhân có thói quen xả rác bừa bãi hay không phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn dẫn đến tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Do đó, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực và nặng nề tác động trực tiếp lên môi trường sống của sinh vật và con người.

Theo Nghị định 08/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bắt đầu từ năm 2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường. Việt Nam cũng sẽ không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch.

Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Để thực hiện lộ trình này, Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải, như: ưu đãi về đất đai, ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, ưu đãi về thuế, phí và lệ phí và trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường. Công cụ kinh tế cho các hoạt động bảo vệ môi trường đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08. Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đang xây dựng quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, làm cơ sở để huy động nguồn lực cho các hoạt động BVMT, hoạt động tái chế chất thải nhựa.

h1-1694588640.jpg
 

Đặc biệt việc phân loại rác tại nguồn sẽ là một hoạt động khả thi khi có sự đồng nhất của các khâu: xả thải - phân loại - thu gom - xử lý. Ngoài sự tham gia tích cực của người dân; sự chỉ đạo, phối hợp giữa các ban ngành thì cần phải có sự giám sát của Ban giám sát cùng với một kế hoạch giám sát thích hợp, xuyên suốt các quá trình như: phân loại rác từ các hộ gia đình; bỏ rác, thu gom rác tại các điểm tập kết, điểm trung chuyển rác… đồng thời, cần phải có các phương án duy trì tính hiệu quả để tạo thành thói quen cho người dân.

Trong phân loại và xử lý rác, rác thải được chia thành ba loại gồm: Rác thải hữu cơ; Rác thải vô cơ; Rác thải tái chế. Rác thải nhựa thuộc nhóm rác thải có thể tái chế, đó là những hộp chai nhựa, giấy, thùng carton, ghế nhựa… Trong quá trình phân loại, nếu nhận thấy các loại rác thải nhựa có thể tải sử dụng, hãy nên giữ lại và tái chế để sử dụng.

Tái chế các chất thải nhựa là biện pháp giúp tận dụng rác thải nhựa để tạo nên những sản phẩm mới có ích được sử dụng nhiều lần.Tái chế rác thải nhựa mang đến nhiều ưu điểm, giúp làm sạch môi trường, tái sử dụng các tài nguyên, đồng thời còn tạo việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, còn một biện pháp khác để xử lý rác thải nhựa là thiêu đốt. Thiêu đốt rác thải nhựa là quá trình sử dụng nhiệt độ cao (1.000 – 1.100 độ C) để phân hủy rác. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là giúp giảm đáng kể thể tích chất thải cần chôn lấp. Tuy nhiên, chi phí đầu tư và vận hành nhà máy đốt rác khá cao nên cũng là vấn đề nan giải cho những nước kinh tế còn hạn hẹp. Việc đốt rác thải nhựa đúng cách còn có thể tạo ra năng lượng phục vụ cho các ngành khác như: đốt rác để phát điện, biến rác thành các nguyên liệu có ích,…. Tuy nhiên, cần lưu ý kiểm soát chặt chẽ quá trình đốt để đảm bảo nó không phát sinh các vấn đề gây hại đến môi trường.

Tuy nhiên, cách tốt nhất để có thể giải quyết chất thải nhựa là mọi người cố gắng hạn chế tối đa việc sử dụng các đồ nhựa đồng thời thực hiện nghiêm túc các hoạt động thu gom, phân loại rác thải nhựa, không xả chúng bừa bãi ra bên ngoài môi trường. Do vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa là điều cần thiết. Tái sử dụng các loại chai lọ, sử dụng các dụng cụ ăn uống (bát, đũa, thìa, muỗng) bằng gỗ, sứ… hạn chế sử dụng túi nilon nếu không cần thiết, sử dụng bình thủy tinh đựng nước thay chai nhựa, bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, chủ động phân loại rác thải, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa một lần.



TH