Hệ thống chính sách từng bước được hoàn thiện
Có thể nói là trải dài suốt thời gian qua, hệ thống chính sách đối với những người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc da cam dần dần từng bước được hoàn thiện cả về diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn 9,2 triệu người, trong đó có gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học được công nhận; đồng thời đã tổ chức xác nhận và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, trong đó có nhiều nạn nhân chất độc da cam. Hằng năm, ngân sách Nhà nước dành hơn 30.000 tỷ đồng chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và con đẻ của họ; hơn 17.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Hệ thống chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo ra một hành lang pháp lý, cơ sở pháp lý rất tốt để những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và nhân dân ở vùng bị phun rải chất độc hóa học có cơ sở được hưởng trợ cấp, được hỗ trợ sinh kế, học nghề, được bảo hiểm, được miễn phí về mặt y tế, được giảm bớt tiền tàu xe khi tham gia giao thông và có những ưu tiên đối với con đẻ của họ khi thi vào các trường học, trường trung học, đại học.
Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi Pháp lệnh Người có công với cách mạng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 với nhiều điểm mới, trong đó quan tâm mở rộng diện đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và nâng mức trợ cấp cho những người được hưởng chính sách, trong đó có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và con đẻ của họ; còn nhân dân ở các vùng phun rải bị nhiễm được nâng trợ cấp về bảo trợ xã hội.
Nhưng vẫn chưa bao quát hết trường hợp các nạn nhân chất độc da cam
Những chế độ, chính sách của Nhà nước thời gian qua rất có ý nghĩa đối với những người bị nhiễm chất độc da cam. Nhưng từ thực tế cũng cho thấy, chính sách trợ giúp của Đảng, Nhà nước vẫn còn chưa bao quát hết được các trường hợp nạn nhân chất độc da cam. Theo Trung tướng Đặng Nam Điền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con đẻ của họ được hưởng chính sách là một việc làm thể hiện sự quan tâm, là chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, hiện nay số người được thụ hưởng chính sách này chưa nhiều do một số nguyên nhân.
Thứ nhất Pháp lệnh Người có công với những tiêu chí rất chặt chẽ, điều kiện cần và đủ phải rất rõ ràng: Người hoạt động kháng chiến là hoạt động ở vùng quân đội Mỹ phun rải chất độc da cam.
Thứ hai là người hoạt động kháng chiến phải có những bệnh quy định trong danh mục 17 loại bệnh tật. Phải hội tụ đủ hai yếu tố này và thông qua hội đồng xét duyệt thì mới được công nhận là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và được hưởng chính sách người có công. Quá trình này, do nhận thức chưa đầy đủ, hiểu biết về pháp luật, tính pháp lý, cơ sở để làm chế độ cũng chưa rõ ràng, nên đây là một nguyên nhân xuyên suốt, cơ bản nhất cho tới bây giờ vẫn chưa giải quyết triệt để được. Nhiều người nằm ở trong vùng bị phun rải chất độc hóa học và bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng bệnh tật lại không biểu hiện, không đúng quy định, nên đấy là một nguyên nhân.
Mặt khác, có những quy định có thể nói rằng là nếu đưa vào triển khai thực tiễn là rất khó khăn, bất cập, gây nhiều trở ngại. Ví dụ như trong Danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam, có danh mục là: “Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính”. Theo quy định, người bị mắc bệnh này được yêu cầu phải có giấy xác nhận từ trước ngày 30/4/1975. Đây là quy định gây rất nhiều khó khăn vì thực tế nhiều người nhập ngũ vào chiến trường, quân đội quy định tất cả các giấy tờ tùy thân không được mang theo người, phải để giấy tờ ở nhà hoặc nếu đã trót mang lên đơn vị thì phải gửi về nhà hoặc nếu không thì phải hủy đi. Việc quy định quân nhân, người hoạt động kháng chiến, khi làm chế độ chính sách phải giữ giấy tờ để xác nhận mình có bệnh thần kinh cấp tính hoặc bán cấp tính trước ngày 30/4/1975 là không thể có được. Đây là một việc mà chúng ta cũng phải tính tới sửa đổi như thế nào cho phù hợp để triển khai trong thực tiễn.
Thêm nữa, thực tế chính sách còn chưa bao quát hết được những đối tượng khác thuộc diện nạn nhân chất độc da cam như: Cán bộ, quân nhân hoạt động sau ngày 30/4/1975, được giao thực hiện nhiệm vụ ở các vùng “nóng” về chất độc da cam, vùng tồn lưu dioxin cao, nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh ra những đứa con dị tật; người dân sinh sống trong khu vực bị rải chất độc hoá học và có công đùm bọc, che chở cán bộ, bộ đội trong kháng chiến; thế hệ thứ 3, thứ 4 của các nạn nhân hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Xuất phát từ thực tế hiện nay, nếu thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước có quy định để tháo gỡ những bất cập trong xem xét, công nhận nạn nhân chất độc da cam được hưởng chính sách đúng đối tượng, thì sẽ giải quyết triệt để được những thiệt thòi hiện nay đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chúng ta cũng cần chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.