Đâu là đại dịch tiếp theo?

Đặng Thu Hằng
Vị trí địa lý, gia tăng dân số, biến đổi khí hậu… sẽ đặt Việt Nam vào nhiều vấn đề nghiêm trọng tương tự COVID-19 trong tương lai.

Các dịch bệnh mới nổi và tái nổi đang có xu hướng gia tăng. Ảnh: Arya_pratama.

Dễ thấy trong khoảng thời gian qua, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt dịch bệnh nghiêm trọng. Tiêu biểu nhất là Covid-19 - đại dịch của toàn cầu. Bên cạnh đó, các diễn biến của dịch sốt xuất huyết, cúm mùa được đánh giá là rất phức tạp. Mặt khác, một số dịch bệnh cũng nhận được sự quan tâm lớn như đậu mùa khỉ, cúm gia cầm…

Chia sẻ tại Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Bệnh Truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2022, tiến sĩ Đỗ Thị Hồng Hiên, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tính đa dạng rất cao, tốc độ thay đổi và khả năng kết nối lớn.

“Do đó, chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi các mối nguy hại đe dọa an ninh y tế, tác động tới sức khỏe của người”, vị chuyên gia nói.

Từ đây, TS Hiên đánh giá Việt Nam nằm trong khu vực điểm nóng của các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng, đối phó với dịch bệnh là điều thiết yếu để bảo vệ sức khỏe người dân. Những giải pháp cũng đòi hỏi mang tính dài hạn và đồng bộ hơn.

Hàng loạt dịch bệnh mới nổi và tái nổi

Trong 13 năm qua, từ năm 2009, tổng cộng 88 dịch bệnh, sự kiện y tế công cộng khẩn cấp đã xảy ra tại châu Á - Thái Bình Dương với các cấp độ khác nhau. Trong số đó, 58 sự kiện, chiếm khoảng 60%, liên quan bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái nổi.

Đậu mùa khỉ

Theo nhận định của WHO, đậu mùa khỉ đang là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu đang xảy ra bên cạnh COVID-19.

Từ tháng 4 (thời điểm ghi nhận những ca bệnh đầu tiên) đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận gần 80.000 ca bệnh khẳng định, song song với đó là 50 ca tử vong. Tại châu Á - Thái Bình Dương, các ca mắc được ghi nhận chủ yếu ở Australia, New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Philippines... Việt Nam hiện có 2 ca và đều là trường hợp xâm nhập.

“Tuy nhiên, việc thống kê ca bệnh còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực giám sát, xét nghiệm của mỗi quốc gia. Mặt khác, dù không phải bệnh mới, hình thái về dịch tễ học của đậu mùa khỉ lại có sự thay đổi. Vì vậy, chúng ta cũng không được phép chủ quan”, TS Hiên nói.

COVID-19

“Có lẽ đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã khá mệt mỏi khi nghe các cập nhật về dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam đang kiểm soát khá tốt đại dịch và đi theo xu hướng quản lý bền vững, dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn chưa qua”, TS Hiên nhấn mạnh.

dai dich tiep theo anh 1

Covid-19 đã để lại nhiều gánh nặng cho cộng đồng cũng như hệ thống y tế suốt 2 năm qua. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Cụ thể, tính tới tháng 11, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 630 triệu ca bệnh được báo cáo. Trong đó, hơn 6,5 triệu người người đã tử vong. Ngay trong tuần trước, WHO cũng thống kê có hơn 2,3 triệu ca mắc mới cùng hơn 7.400 ca tử vong.

Theo TS Hiên, gánh nặng từ dịch Covid-19 với cộng đồng vẫn rất lớn. Một số quốc gia trong khu vực như Australia, New Zealand đang phải đối mặt những làn sóng dịch mới, tăng tỷ lệ ca nhập viện và tử vong. Do đó, chúng ta vẫn rất cần cảnh giác với Covid-19.

“Một lưu ý là hiện tại, khả năng xét nghiệm của chúng ta giảm rất nhiều. Vì thế, những con số được báo cáo lên WHO có thể yêu cầu sự thận trọng tối đa. Mặt khác, việc liên tục xuất hiện các biến chủng, biến thể phụ mới của SARS-CoV-2 cũng là mối đe dọa cho hệ thống y tế”, vị chuyên gia nhận định.

Cúm gia cầm

Theo thống kê của WHO, trong năm 2021-2022, các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia đều báo cáo về những ổ dịch cúm trên người. Đơn cử là cúm A H3N8, cúm A H9N2, cúm A H5N1 hay mới đây, tại Việt Nam là một bệnh nhi nhiễm cúm A H5.

“Điều này nói lên rằng chúng ta phải luôn lưu tâm tới cúm gia cầm trên người. Trong lịch sử, chúng ta đã phải đối diện với những vụ dịch cúm lớn”, TS Hiên nhấn mạnh.

Cúm mùa

Tại Đông Nam Á, trong năm 2020, số ca mắc dịch cúm khá thấp. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 đến 2022 đã có sự gia tăng, nhất là nửa cuối năm 2021. Dù cúm A và cúm B hoạt động đồng thời, số ca mắc cúm A vẫn được ghi nhận chủ yếu trong thời gian qua.

TS Hiên nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, chúng ta nhìn thấy sự gia tăng của các ca mắc cúm song song với diễn biến từ dịch Covid-19 và sốt xuất huyết. Đây là một mối đe dọa lớn với hệ thống y tế”.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tập trung đầu tư cho chất lượng bệnh viện, làm sao đảm bảo đủ giường điều trị cho các bệnh nhân, nhất là trường hợp diễn biến nặng.

Dịch tả và các bệnh tiêu chảy cấp

Theo TS Hiên, dịch tả vẫn là vấn đề rất trầm trọng tại các quốc gia trong khu vực. Việt Nam may mắn không xuất hiện các ca mắc bệnh tả trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, những chùm ca bệnh hay ổ dịch tiêu chảy cấp vẫn xuất hiện.

Để phòng tránh các bệnh lý này, Việt Nam cần sự kết hợp từ nhiều đơn vị khác bên cạnh y tế như môi trường, nước sạch, an toàn thực phẩm, truyền thông, giáo dục.

“Bệnh tưởng chừng đơn giản, các tác nhân cũng rất kinh điển. Nhưng nếu không phòng phòng tránh tốt, đây cũng mối đe dọa cho an ninh y tế quốc gia”, TS Hiên nhận định.

Sốt xuất huyết

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất phải đương đầu với sốt xuất huyết ở thời điểm hiện tại. Bangladesh, Đông Timor, Lào, Malaysia trong thời gian qua cũng ghi nhận sự gia tăng rất mạnh về số ca mắc, diễn biến nặng và tử vong do sốt xuất huyết.

Tại Việt Nam, biểu đồ cho thấy số ca mắc đã chững lại được vài tuần. Tuy nhiên, xét theo khu vực, miền Bắc và miền Trung vẫn ghi nhận sự gia tăng khá mạnh của các ca bệnh.

Xu hướng dịch bệnh gia tăng, Việt Nam là điểm nóng

Bên cạnh mối đe dọa từ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi, TS Đỗ Thị Hồng Hiên cho hay Việt Nam cũng phải đương đầu với nhiều thảm họa thiên nhiên. Điển hình trong 2 năm qua, chúng ta có đủ các hiện tượng như động đất, lũ lụt, lốc xoáy, sạt lở đất…

“Tất cả tạo thêm gánh nặng cho sức khỏe người dân cũng như hệ thống y tế”, vị chuyên gia nói.

dai dich tiep theo anh 2

Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á là điểm nóng của các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi. Ảnh minh họa: Đức Anh.

TS Hiên dự báo đến năm 2030, xu hướng xuất hiện thiên tai, thảm họa tự nhiên tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tăng lên với với tình trạng biến đổi khí hậu, gia tăng dân số như hiện nay.

Ngoài ra, một số mối nguy cơ khác có thể nhắc tới như viêm gan virus cấp không rõ nguyên nhân được báo cáo tháng 4 vừa qua. Dù tới thời điểm hiện tại, xu hướng bệnh đã giảm xuống. Tuy nhiên, tới tháng 7, toàn cầu đã có hơn 1.000 ca bệnh từ 35 quốc gia. Trong đó, ít nhất có 46 trẻ em (5%) yêu cầu phải ghép gan và 22 trẻ (2%) đã tử vong.

“Vậy câu hỏi ở đây là liệu chúng ta còn phải đương đầu với các đại dịch trong tương lai hay không và cần chuẩn bị như thế nào. Dù không thể trả lời một cách chắc chắn về mặt thời gian, chúng ta đều biết rằng một ngày nào đó, nó sẽ xảy ra sau Covid-19”, TS Hiên nói.

Theo vị chuyên gia, các sự kiện về bệnh truyền nhiễm mới nổi sẽ là những mối đe dọa không ngừng lớn lên với y tế toàn cầu. Vì vậy, chúng ta cần có sự phân tích một cách thấu đáo về tần suất, mức độ nghiêm trọng cũng như tác động với kinh tế, chính trị xã hội của chúng.

Bà nói: “Phần lớn bệnh truyền nhiễm mới nổi gần đây có nguồn gốc từ động vật, khoảng 70%. Bao gồm động vật hoang dã. Sự xuất hiện của các dịch bệnh này thường hình thành từ tương tác giữa quần thể động vật, con người, môi trường cùng những thay đổi nhanh chóng”.

Mặt khác, kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á là những điểm nóng của bệnh truyền nhiễm mới nổi. Một đại dịch hoàn toàn có thể bắt đầu ở bất cứ đâu có sự giao thoa, tương tác của động vật, con người và môi trường.

Một số tác nhân được nghĩ tới có thể gây các đợt bùng phát dịch như virus hay vi khuẩn. Tuy nhiên, sự lây lan từ người sang người của virus vẫn được coi là nguyên nhân hàng đầu có thể dẫn tới đại dịch.

Để chuẩn bị cho tất cả nguy cơ nói trên, WHO đang trong quá trình xây dựng khung an ninh y tế liên khu vực giữa Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Quá trình tham vấn được được diễn ra.

Trong khung này, WHO sẽ đưa ra những định hướng và chiến lược để các quốc gia sẵn sàng ứng phó với đại dịch trong tương lai.

“Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi sẽ là nguyên nhân chính gây ra sự kiện y tế công cộng khẩn cấp. Vì vậy, chúng ta cần đảm bảo tăng cường năng lực, đi theo cách tiếp cận toàn xã hội và dựa vào nguy cơ. Trong đó, khung hành động về an ninh y tế liên khu vực của WHO trong thời gian tới sẽ đảm bảo được mỗi quốc gia có năng lực tốt nhất trong chuẩn bị và ứng phó với chúng”, TS Hiên kết luận.