Rác thải nhựa tác động trực tiếp tới con người và môi trường
Như chúng ta đã biết, rác thải nhựa thường tồn tại dưới các dạng vật thể như: ống hút, vỏ chai, túi nilon... là các vật dụng được tổng hợp từ chất hóa học hữu cơ (như nhựa PE). Hiện tượng ô nhiễm trắng gây ra bởi rác thải nhựa bắt nguồn từ việc xả rác nhựa ra môi trường của con người.
Ở Việt Nam, theo ước tính và số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường tính trung bình mỗi năm chúng ta thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Bình quân mỗi người dân đi chợ, đi siêu thị, đi mua sắm,... đều xách theo 3 - 4 túi ni-lông, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi ni-lông. Thói quen sử dụng túi nilon hàng ngày của con người làm cho lượng rác thải nhựa từ việc sử dụng túi nilon là một vấn đề đáng lo ngại.
Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các cửa hàng chủ yếu là bán đồ ăn uống mang về nên việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần để đóng gói đồ cho khách hàng ngày càng gia tăng. Lý do các sản phẩm nhựa được dùng nhiều vì, đồ nhựa dùng một lần rất tiện ích với cuộc sống bận rộn vì tính nhanh, gọn, nhẹ, sau khi sử dụng không cần mất công chùi rửa.
Rác thải nhựa khi được xả thải ra môi trường nếu không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước: Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc dioxin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,…
Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất.
Để phân hủy được rác thải nhựa có thể kéo dài rất lâu từ hàng trăm đến hàng nghìn năm. Chính vì thế, khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác trên các bề mặt nước, đất sẽ gây ra hiện tượng “ô nhiễm trắng” ảnh hưởng rất lớn đến hàng nghìn sinh vật sống, ảnh hưởng đến cả không gian nghỉ ngơi và thư giãn của con người,
Thực sự tác hại của rác thải nhựa vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các sinh vật trong hệ sinh thái của chúng ta.
Việt Nam nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa
Các tổ chức môi trường quốc tế cũng như nhiều quốc gia đang kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nilon. Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa,…
Hướng ứng các kế hoạch được chính phủ đề ra, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai những hoạt động thiết thực nhằm hạn chế rác thải nhựa. Như tại Thành phố Hà Tĩnh - nơi được đánh giá là một trong những đô thị có lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày khá lớn. Trước thực trạng đó, UBND thành phố Hà Tĩnh đã triển khai một kế hoạch hành động chiến lược. Theo đó, cùng tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam ký tuyên bố tham gia chương trình đô thị giảm nhựa, cam kết giải quyết các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa hướng tới mục tiêu không còn rác ngoài thiên nhiên vào năm 2030.
Không những vậy, Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh còn vận động toàn thể cán bộ, đoàn viên tham gia trồng cây xanh, làm đẹp cơ quan, xây dựng công sở văn minh từ sản phẩm rác thải nhựa. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh cũng có những hoạt động tích cực nhằm “Hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Những mô hình, sáng kiến, cách làm hiệu quả của Hội đang dần được nhân rộng, góp phần hạn chế sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt và giảm rác thải nhựa ra môi trường. Đặc biệt mô hình “chị em phụ nữ xách giỏ đi chợ” hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt không còn xa lạ trên địa bàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Việt Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: “Mô hình được xem như một hình thức tuyên truyền thực tế và hữu hiệu, bởi mục đích của chúng tôi là dần thay đổi nhận thức, hạn chế túi nilon khó phân hủy. Từ sự lan tỏa bước đầu, chúng tôi đã xây dựng chương trình, tuyên truyền cụ thể đến các hội viên và người dân trên địa bàn về tác hại của túi nilon; Khuyến khích người dân sử dụng làn đi chợ, sử dụng các loại túi, giấy báo dễ phân hủy, thân thiện với môi trường”.
Bên cạnh Hà Tĩnh, Quảng Ninh cũng là một tỉnh đi đầu trong phong trào hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Được biết, trung bình mỗi năm, tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh lên đến 60.000-80.000 tấn. Trong đó, TP Hạ Long - điểm du lịch thu hút khách là khu vực có lượng phát thải nhựa lớn 47,6 tấn/ngày. Để giảm thiểu tác hại tiêu cực từ rác thải nhựa, từ đầu năm 2020, dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, được Hội Nông dân tỉnh chủ trì triển khai thực hiện trên địa bàn TP Hạ Long.
Không chỉ vậy, nhiều phong trào, mô hình chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đã ra đời bước đầu đạt được những kết quả nhất định như: Chi hội Tàu du lịch Hạ Long duy trì mô hình “Cánh buồm xanh”; mô hình Chi hội thu gom ve chai tại các phường: Hà Phong, Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu (TP Hạ Long); duy trì tuyến đường không rác thải nhựa tại phường Tuần Châu; mô hình "Phụ nữ sử dụng túi sinh học tự phân hủy" của phụ nữ phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả); mô hình “5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên...
Tại Quảng Ngãi, mô hình Làng không rác được triển khai thí điểm tại làng Gò Cỏ (xã Phổ Thạnh) là một ngôi làng nhỏ ven biển có nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Việt. Mô hình “Làng không rác” được triển khai bao gồm hoạt động phân loại rác tại nguồn (69 hộ dân của làng sẽ được trang bị mỗi hộ một bộ ba thùng rác chứa rác vô cơ, hữu cơ và tái chế để phân loại rác tại nhà; được tập huấn, giám sát trong việc phân loại rác tại nguồn).
Còn tại tỉnh Bình Dương, Hội Chữ thập đỏ phường Định Hòa, TP. Thủ Dầu Một đã phối hợp với Công đoàn – Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phường tổ chức chương trình “Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng”. Chương trình đã vận động đông đảo hội viên và người dân đổi các loại rác thải tái chế như vỏ lon, giấy báo, thùng, chai lọ các loại …. đổi lấy các mặt hàng nhu yếu phẩm. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm rác thải nhựa khó phân huỷ.