Đồ uống có ga tạo ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tại một đất nước

Đặng Thu Hằng
Tỷ lệ béo phì và tiểu đường đang tăng vọt tại Mexico, vậy tại sao luật cấm đồ uống có đường cho trẻ em vẫn chưa được thực thi?

Đại dịch coronavirus đã thúc đẩy việc cấm bán nước ngọt cho trẻ em và cải thiện sức khỏe của đất nước. (Ảnh: NYTimes)

Theo Guardian, bang Oaxaca, miền Nam Mexico đã cấm bán đồ uống có đường và đồ ăn nhanh có hàm lượng calo cao cho trẻ em - một biện pháp nhằm hạn chế tình trạng béo phì.

Rất ít người ở Oaxaca - ngay cả một số nhà phân phối đồ uống có ga và chủ cửa hàng - nhận thức được quy định này. Các nhà chức trách đã không thực thi biện pháp khắt khe để ngăn chặn việc cấm bán đồ uống có đường. Đất nước này có hàng chục nghìn trường hợp tử vong trên toàn quốc mỗi năm liên quan đến đồ uống có đường, do tỷ lệ béo phì và tiểu đường tăng cao.

Tỷ lệ béo phì ở mức báo động

Oaxaca được biết đến là thủ đô ẩm thực của Mexico, giống như những nước khác, nền ẩm thực Mexico đã chuyển sang phổ biến các món ăn chế biến cực nhanh và tiêu thụ nhiều thịt hơn, cũng như đồ uống có đường. Ngày nay, bang Oaxaca có tỷ lệ béo phì ở trẻ em cao nhất tại Mexico và cao thứ hai ở người lớn.

Lệnh cấm bán đồ uống có ga cho trẻ em, được công bố vào năm 2020, được chuẩn bị thực hiện trong vòng một năm, nhưng đã không có hiệu lực. Các nhà vận động cho biết lệnh cấm có thể sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ ngành công nghiệp nếu nó được áp dụng.

Alejandro Calvillo, giám đốc của Consumer Power, một hiệp hội vận động cho biết: “Femsa, hãng vận hành việc đóng chai cho Coca-Cola ở Mexico, có quyền lực rất lớn. Họ vận hành hơn 20.000 cửa hàng tiện lợi Oxxo trên khắp đất nước, cũng như các trạm xăng và nhiều cơ sở kinh doanh khác".

“Rất khó áp dụng quy định này. Nó chủ yếu mang tính thông điệp”, Alejandro Calvillo nói về chính sách Oaxaca.

beo phi anh 1

Coca-Cola là sản phẩm phổ biến rộng rãi nhất ở nhiều vùng tại Mexico. (Ảnh: Guardian)

Tạp chí chính trị Proceso đã cáo buộc Coca-Cola “sử dụng các chiến lược để ngăn chặn, trì hoãn hoặc làm suy yếu các quy định hạn chế hoạt động của mình”. Coca-Cola cho biết hoạt động tuyển dụng các cựu quan chức chính phủ của họ là nhằm “thu hút và giữ chân những nhân tài giỏi nhất”.

Mexico hiện đứng thứ tư trong bảng xếp hạng thế giới về mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người, với 137 lít tiêu thụ mỗi người/năm.

Chuyển qua vận động thay đổi hành vi

Trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ngày càng trở nên tồi tệ, chính phủ liên bang hiện tại đang có một cách giải quyết khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Mexico Hugo López-Gatell đã cáo buộc đồ uống có ga là "chất độc đóng chai" vào năm 2020. Ông nói: "Béo phì, tiểu đường và cao huyết áp là những căn bệnh thầm lặng có thể dẫn đến những biến chứng lớn". Cảnh báo của ông được đưa ra vài tuần sau khi Tổng thống Andrés Manuel López Obrador kêu gọi người dân tránh đồ ăn vặt khi nguy cơ béo phì ngày càng tăng.

Năm 2017, làng Yalálag, cách thành phố Oaxaca 3 giờ lái xe về phía đông, đã cấm bán khoai tây chiên trong các cửa hàng và cấm các nhà phân phối. Vào năm 2020, làng Yalálag cấm thực phẩm không lành mạnh xâm nhập vào cộng đồng trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, dần dần, tất cả đều tìm được đường quay trở lại và các cửa hàng đã trở lại trạng thái bình thường. "Những đứa trẻ là tương lai của chúng tôi nhưng chúng tôi sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng nếu cho phép các cửa hàng bán đồ uống có ga hoạt động. Béo phì, tiểu đường và ung thư đang lan rộng từ các thành phố ở Mexico đến các nơi trên đất nước", Vidal Aquino, cựu ủy viên hội đồng đã đưa ra lệnh cấm, nói.

beo phi anh 2

Người Mexico được khuyến khích cắt giảm đồ uống có ga để hạn chế ảnh hưởng của Covid-19. (Ảnh: Shutterstock)

Một chiến dịch y tế công cộng kêu gọi người dân địa phương tránh thực phẩm chế biến sẵn đã bắt đầu có kết quả, vì hệ thống y tế thô sơ đang phải chịu áp lực từ bệnh tiểu đường loại 2 phần lớn có thể phòng ngừa được. Theo Tổ chức Đái tháo đường Quốc tế, một trong sáu người Mexico sống chung với bệnh tiểu đường - tăng 10% từ năm 2019 đến năm 2021.

Năm 2018, Coca-Cola đã giảm 30% lượng đường trong sản phẩm chính của mình ở Mexico. Người phát ngôn của Coca-Cola nói với Guardian: “Tại Mexico, chúng tôi cam kết hợp tác với chính quyền địa phương và liên bang, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng trong nước để thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong các lĩnh vực chính như tái chế, quản lý nước và khuyến khích tiêu thụ lượng đường vừa phải”.

Công ty cho biết họ không tiếp thị sản phẩm đặc biệt cho trẻ em dưới 13 tuổi.

Trở lại Yalálag, Aquino - người không cho con gái 8 tuổi của mình ăn đường - nói rằng có thể có hiệu ứng domino nếu những người tránh thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn cho thấy sức khỏe của họ tốt hơn với những người khác.

Ông nói: “Thay đổi bắt đầu từ trong nhà với bản thân, với gia đình và bạn bè. Bạn phải nói về nó và khuyến khích những người khác cùng nhau tạo ra sự thay đổi”.