Dịch cúm ở Bắc Kạn không quá nguy hiểm nhưng khó phòng, cách ly

Nguyễn Diệp Linh
Sau khi hàng trăm học sinh được ghi nhận mắc cúm cùng một số mẫu bệnh phẩm trong số này dương tính với virus cúm B, bệnh lý này đang trở thành mối quan tâm mới trong cộng đồng.

Mới đây, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã ghi nhận ổ dịch cúm với hơn 700 trường hợp mắc. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện tại một trường mầm non. Một trường hợp tử vong.

Bước đầu kết quả xét nghiệm cho thấy 5/7 trường hợp dương tính với virus cúm B. Thông tin này đang khiến nhiều người lo lắng về một dịch bệnh mới, đe dọa sức khỏe cộng đồng, nhất là nhóm trẻ em.

"Bệnh không nguy hiểm. Đa phần người mắc sẽ tự khỏi sau khi được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có thể chủ quan với cúm B", lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết.

Một trong 2 chủng virus gây dịch cúm mùa

Theo bác sĩ Phạm Thị Kiều Loan, khoa Phòng chống Bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội virus cúm B là một trong các tác nhân gây bệnh, cúm mùa - bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính. Bệnh xảy ra hàng năm và thường vào mùa đông, xuân.

Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Virus cúm B là một trong 4 chủng virus cúm mùa bên cạnh A, C và D. Trong đó, virus cúm mùa A và B là 2 chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch cúm mùa hoặc đợt bùng phát ngoài mùa cúm.

trieu chung cua cum B anh 1

Virus cúm B là một trong 2 tác nhân chính gây dịch cúm mùa. Ảnh: Thạch Thảo.

Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng thông tin cúm B là loại bệnh thời khí, hoạt động theo mùa. Điều kiện thời tiết chuyển giao như hiện nay rất thuận lợi cho virus cúm B phát triển.

Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 3 ngày và diễn biến bệnh từ 3 đến 5 ngày. Tất cả người dân đều đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên nhóm nguy cơ cao thường là trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và những người mắc bệnh mạn tính khác.

Vị chuyên gia nhận định bệnh cúm B sẽ nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời, nhất là với những người có hệ miễn dịch yếu. Khi mắc cúm B, người bệnh sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác hoặc gặp biến chứng bệnh ở thể nặng, gây nguy hiểm tới sức khỏe.

Cúm B khác cúm A, C như thế nào?

Theo Medical News Today, người mắc cúm B thường có xu hướng diễn biến bệnh nhẹ hơn cúm A. Trong khi cúm A có thể dẫn đến các triệu chứng từ trung bình đến nặng ở tất cả độ tuổi, thậm chí cả động vật, cúm B chỉ ảnh hưởng đến con người.

Ngoài ra, cúm B cũng được ghi nhận ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Bên cạnh đó, virus này cũng gây bệnh nặng hơn so với cúm C.

Triệu chứng của cúm B

Các triệu chứng của cúm B thường có xu hướng xuất hiện đột ngột, bao gồm:

Mệt mỏi Ho, ho khan Ngạt mũi, chảy nước mũi Đau họng Đau mỏi cơ Đau đầu Sốt Một số trường hợp có thể nôn, tiêu chảy (phổ biến hơn ở trẻ em)

Biến chứng

Lương y Bùi Đắc Sáng cho hay biến chứng nặng nhất của cúm B là suy hô hấp, biểu hiện rõ nhất khi người mắc cúm đã trải qua 3 đến 5 ngày nhưng bệnh vẫn tiếp diễn, kèm triệu chứng khó thở, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu.

Ông lưu ý: “Lúc này, người bệnh hoàn toàn có thể tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời”.

Ngoài suy hô hấp, vị chuyên gia cũng cho biết người mắc cúm B thường phải đối mặt với cúm ác tính nếu để lâu dài. Triệu chứng bệnh ban đầu giống bệnh cúm thông thường nhưng sau đó, người bệnh có thể xuất hiện những biểu hiện do viêm phổi cấp tính dẫn tới thiếu oxy máu và tử vong.

trieu chung cua cum B anh 2

Trẻ nhỏ là một trong những nhóm nguy cơ mắc cúm B. Ảnh: Thạch Thảo.

Ngoài ra, một nhóm nguy cơ cao gặp biến chứng là phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu, cơ thể có nhiều biến đổi, suy giảm hệ miễn dịch. Nếu nhiễm cúm B, người mẹ có khả năng sinh non hoặc sảy thai.

Trong khi đó, Medical News Today cũng lưu ý cúm B có thể làm các triệu chứng của hen suyễn hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn mạn tính thêm nghiêm trọng.

Các bệnh nhân cúm B nên nhanh chóng tới bệnh viện khi có các biểu hiện như:

Không thể đi tiểu Sốt hoặc ho trở lại sau khi đã đỡ, thậm chí nặng hơn trước Đau cơ nghiêm trọng Bệnh mạn tính diễn biến nặng hơn Khó thở Tức ngực Chóng mặt kéo dài Co giật

Phương pháp điều trị

Ở hầu hết trường hợp, bệnh cúm B thường tự khỏi trong vòng 2 tuần. Trong quá trình hồi phục, bệnh nhân nên chủ động cách ly tại nhà, tránh tiếp xúc với người khác và uống nhiều nước.

Ngoài ra, người dân có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn có thể làm giảm các triệu chứng của cúm B như hạ sốt, thuốc ho...

Trong một số trường hợp diễn biến nặng, các bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân cúm B thuốc kháng virus. Thông thường, oseltamivir (Tamiflu) và zanamivir (Relenza) là các loại thuốc kháng virus thường được sử dụng để điều trị cúm A, cúm B.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus bắt buộc phải có chỉ định từ bác sĩ. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, hiện vẫn có nhiều phụ huynh lầm tưởng dùng kháng sinh sẽ giúp bệnh cúm nhanh khỏi.

Tuy nhiên, trên thực tế, kháng sinh không có tác dụng diệt virus - nguyên nhân gây cúm mùa. Vị chuyên gia khẳng định bệnh cúm thường tự khỏi trong vài ngày. Trong thời gian diễn biến bệnh, chúng ta có thể dùng thuốc giảm ho, giảm đau họng hoặc thuốc hạ sốt.

Ông nhấn mạnh: "Lạm dụng kháng sinh điều trị cúm thường rất tốn kém. Trong khi đó, chúng còn có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí kháng kháng sinh".

Thông thường, người bệnh cúm B sẽ diễn biến khá nhẹ. Trong khi đó, cúm A có thể gây biến chứng ở những nhóm nguy cơ cao như trẻ dưới 2 tuổi, người trên 65 tuổi hoặc trường hợp có bệnh mạn tính như hen, viêm phế quản mạn tính, tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, bệnh về gan, thận...

Người suy giảm miễn dịch như HIV, ghép tạng phải uống thuốc chống thải ghép, bệnh khớp uống thuốc chống viêm... cũng trong nhóm nguy cơ.

“Tùy từng trường hợp, từng giai đoạn, bác sĩ có chỉ định riêng về thuốc điều trị cũng như phương pháp chăm sóc, theo dõi”, PGS Dũng nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng khuyến cáo các gia đình không nên tự ý tích trữ thuốc, đặc biệt là Tamiflu. Loại thuốc này được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi...

Theo bác sĩ Dũng, nếu mắc cúm thông thường, các bệnh nhân không cần thiết dùng đến Tamiflu. Việc làm này gây lãng phí. Đáng ngại hơn, lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong tương lai.

Phòng bệnh cúm B như thế nào?

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, cúm B là bệnh khó phòng, khó cách ly bởi chúng phát tán theo mùa trên diện rộng, lây qua đường hô hấp. Người hàng ngày giao tiếp với bệnh nhân mắc cúm rất dễ lây bệnh, nhất là trong các môi trường tập thể, trường học, hoạt động xã hội...

Do đó, lương y Sáng khuyên ngoài việc tiêm phòng, cần có những biện pháp cách ly khi bệnh nhân bị nhiễm bệnh như không cho trẻ đến trường học, trường mầm non để lây sang những trẻ khác.

Trong vùng có dịch, tất cả người dân cần đeo khẩu trang khi đi đường cũng như tiếp xúc với người bệnh. Mỗi gia đình nên thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi ho, hắt hơi hoặc khi tiếp xúc với người bệnh.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các lưu ý sau:

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vaccine cúm mùa. Đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Theo Zing