Nhiều trường hợp quá liều vitamin D phải nhập viện
Bé N.T.M. (2 tuổi, TP. Hà Nội) liên tục kêu đau bụng, quấy khóc dù không ho, sốt. Khi thấy trẻ tiểu ra máu, gia đình hốt hoảng đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra. Tại đây, qua thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trẻ có canxi trong máu cao, sỏi niệu quản và hồng cầu trong nước tiểu. Bệnh nhi được chẩn đoán sỏi thận.
Tiến sĩ - Bác sĩ Thái Thiên Nam - Phó Trưởng khoa Thận - Tiết niệu BV Nhi Trung ương cho biết, các bác sỹ đã làm xét nghiệm và phát hiện nồng độ vitamin D của trẻ rất cao.
Theo mẹ của bé, thấy con bị thấp còi so với bạn bè cùng trang lứa, chị ra hiệu thuốc và được người bán hàng khuyên cho uống một liều vitamin D cao. Với liều này, trẻ không cần bổ sung vitamin D trong vòng sáu tháng, tránh tình trạng gia đình quên cho con uống hằng ngày. Sau đó, do COVID-19 nên trẻ được đưa về quê ở với bà. Nhìn cháu nhỏ bé, gầy gò, bà đã đưa cháu đi khám và kết luận trẻ bị còi xương nên được kê uống thêm một liều vitamin D liều cao nữa. Đây là nguyên nhân khiến trẻ rơi vào tình trạng dư thừa, ngộ độc vitamin D. Từ đó, trẻ bị lắng đọng canxi ở các cơ quan và thận, tạo ra sỏi thận.
Mới đây, BV Nhi Trung ương cũng tiếp nhận hai anh em ruột mới chỉ 26 tháng và 18 tháng tuổi bị ngộ độc vitamin D. Khoảng hai tuần trước khi nhập viện, trẻ nôn, táo bón, đau bụng từng cơn nhưng không rõ nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ có nồng độ canxi trong máu cao, tăng canxi niệu. Trẻ được chẩn đoán ngộ độc vitamin và suy thận cấp, phải nằm viện điều trị.
Gia đình cho biết mong muốn con phát triển khỏe mạnh nên đã đều đặn cho uống vitamin D mỗi ngày từ sau sinh. Tuy nhiên, bà thấy cháu thích uống và nghĩ vitamin D là thuốc bổ, nên sử dụng tùy tiện trong thời gian dài. Thay vì uống liều lượng như quy định, trẻ uống trực tiếp tại lọ, không sử dụng dụng cụ đong thuốc hoặc qua dụng cụ đong nhưng lấy nhiều rất nhiều lần. Dù sau khi dừng vitamin D và truyền dịch, hai trẻ đã hết các triệu chứng ngộ độc, song các bác sỹ nhấn mạnh vẫn phải tiếp tục theo dõi để kịp thời phát hiện biến chứng, đặc biệt là tác động lên thận.
Sử dụng vitamin D liều cao kéo dài tiềm ẩn ngộ độc
Theo các chuyên gia, vitamin D có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển xương chắc khỏe, cũng như góp phần tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Vitamin D có ít trong thức ăn, chủ yếu được tổng hợp do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hoặc cung cấp qua đường uống. Nhiều phụ huynh mong muốn con cao lớn, chắc khỏe nên bổ sung cho con từ nhỏ. Tuy nhiên, việc tăng cường bổ sung vitamin D, sử dụng vitamin D liều cao kéo dài tiềm ẩn ngộ độc nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn về liều lượng của bác sĩ.
Liều uống vitamin D tối đa theo khuyến cáo của Hội Nội tiết với trẻ dưới sáu tháng tuổi là 1.000UI/ngày; trẻ 12 tháng tuổi: 1.500UI/ngày; trẻ từ 1-3 tuổi: 2.500UI/ngày; 4-8 tuổi: 3.000UI/ngày; trên chín tuổi là 4.000UI/ngày. Dù vậy, trong một số trường hợp, liều gây ngộ độc có thể cao hoặc thấp hơn liều khuyến cáo.
Th.BS Nguyễn Thị Ngọc - Khoa Thận - Lọc máu BV Nhi Trung ương cảnh báo, trẻ bị ngộ độc vitamin D thường có các triệu chứng của tăng canxi máu như ăn kém, giảm cân, đau bụng, nôn, táo bón, uống nhiều, tiểu nhiều, trong các trường hợp nặng có thể gây mất nước đe dọa tính mạng.
BS Thái Thiên Nam cho hay, ngộ độc vitamin D là tình trạng hiếm gặp, tuy nhiên, khi phát hiện thường có những di chứng khá nặng nề. Vitamin D dư thừa sẽ gây ra tình trạng lắng đọng canxi và hình thành sỏi thận. Nếu sỏi thận rơi xuống niệu quản sẽ gây đau, giãn bể thận, nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu và suy thận.
“Phụ huynh cần tuân thủ theo chỉ định, hướng dẫn của BS trước khi sử dụng bất kể loại thuốc, vitamin nào, trong đó có vitamin D”, BS Thái Thiên Nam nhấn mạnh. Đặc biệt, theo các chuyên gia, hiện nay, vitamin D liều cao rất ít khi được bác sỹ kê đơn, trừ một số trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng… Các phụ huynh không nên vì những lời khuyên như “tiện lợi”, “đỡ phải uống hằng ngày”… mà tự ý cho con uống, phòng tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong trường hợp trẻ được phát hiện ngộ độc vitamin D, các bác sỹ lưu ý cần tiếp tục theo dõi trẻ sau khi đã điều trị tại bệnh viện. Bởi việc hình thành sỏi thận có thể kéo dài từ 2-3 tháng sau khi trẻ bị ngộ độc. Cha mẹ cần cho con đi kiểm tra sức khỏe theo lịch khám của bác sĩ để phát hiện sớm những biến chứng có thể để lại.