Vào mùa đông – xuân, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Trong đó, viêm phổi là căn bệnh thường gặp nhất. Diễn tiến của bệnh rất nhanh và có thể dẫn đến suy hô hấp, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
TS - BS Nguyễn Chí Bình – Bệnh viện Lão khoa TW cho biết, sở dĩ người già rất dễ mắc bệnh viêm phổi là do hệ thống miễn dịch suy yếu nên khi bị các loại virus, vi khuẩn, nấm… tấn công vào đường hô hấp, cơ thể không chống đỡ được. Đồng thời, nhiều người lại có bệnh nền, mạn tính như tim mạch, tiểu đường, giãn phế quản, xơ phổi, suy hô hấp hoặc có tiền sử nghiện rượu, nghiện thuốc lá... Đây chính là nguy cơ cao khiến các bệnh lý thông thường như viêm đường hô hấp, cúm dễ biến chứng thành viêm phổi.
Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm phổi thường là ho, sốt, khó thở. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân cao tuổi lại không hề xuất hiện dấu hiệu ho, sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Lý giải về điều này, TS - BS Nguyễn Chí Bình cho biết, sốt là phản ứng sinh lý của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, do hệ miễn dịch bị suy giảm nên khi bị virus, vi khuẩn gây bệnh viêm phổi tấn công, người cao tuổi không có phản ứng sốt. Những người hút thuốc lâu năm cũng thường bị ho, viêm phế quản mạn tính. Điều đó khiến bản thân người bệnh và người nhà nhầm tưởng giữa các dấu hiệu của bệnh viêm phổi với viêm họng hay cảm cúm thông thường và bỏ qua. Nhưng chỉ sau vài ngày, khi có biểu hiện rõ rệt hơn, người bệnh thấy tức ngực, khó thở mới đến bệnh viện thì đã muộn, bệnh đã tiến triển nặng hơn, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, rối loạn hoạt động của hệ tim mạch, rối loạn đông máu và tử vong.
“Vì vậy, trong những thời điểm giao mùa, nhất là vào mùa lạnh, khi thấy người cao tuổi mệt mỏi hơn bình thường, nằm một chỗ, không muốn ra ngoài vận động, ăn uống kém hơn, có khó thở nhẹ, đặc biệt là trên những người có tiền sử hút thuốc, người có bệnh nền về tim mạch, hô hấp… thì chúng ta cần lưu ý để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh viêm phổi và điều trị kịp thời”, TS - BS Nguyễn Chí Bình khuyến cáo.
Với những trường hợp bệnh nhân viêm phổi có thể chăm sóc điều trị tại nhà, TS- BS Nguyễn Chí Bình khuyến cáo cần phải tăng cường lưu thông đường thở, bù đủ nước và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Để lưu thông đường thở cần chú ý làm ẩm và nóng không khí hít vào sẽ giúp làm loãng đờm và dễ long đờm. Bệnh nhân có thể đeo khẩu trang, hít vào bằng đường mũi rồi thở ra qua miệng, môi khép kín.
Người chăm sóc cũng nên thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân uống đủ nước (2-3 lít/ngày) để làm loãng đờm và dễ long đờm và bù lại lượng nước mất do sốt, thở nhanh.
Nên để bệnh nhân bị viêm phổi nằm nghỉ ngơi nhiều để giảm tiêu hao năng lượng, thay đổi tư thế thường xuyên. Cho bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên dừng thuốc hoặc bỏ thuốc giữa chừng vì có thể thể làm vi khuẩn kháng thuốc và bệnh viêm phổi sẽ tái phát.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm phổi cần đầy đủ, đa dạng, nên chế biến dưới dạng thức ăn lỏng, dễ tiêu, tăng cường rau củ quả. BS Nguyễn Chí Bình gợi ý những loại thực phẩm tốt cho đường hô hấp là các loại gia vị có sẵn trong bếp như gừng, hành, tỏi; các loại rau và trái cây như củ cải, quả lê, đu đủ, quả lựu..., thực phẩm giàu đạm như trứng, sữa, thịt, cá và các loại đậu đỗ. Mật ong cũng là một loại thực phẩm có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ ngăn ngừa virus, vi khuẩn đường hô hấp, làm ấm và dịu cổ họng, giảm ho, long đờm hiệu quả.
Để phòng bệnh viêm phổi, TS-BS Nguyễn Chí Bình khuyên, hàng năm, người cao tuổi nên tiêm vaccine ngừa cúm và phế cầu. Vào mùa lạnh, cần chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ và bàn chân, nơi ở phải thông thoáng, thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý, tập luyện thể dục thể thao đều đặn để nâng cao sức đề kháng, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Theo VOV