Ung thư máu khiến gần 5.000 người tử vong mỗi năm

Nguyễn Diệp Linh
Mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm gần 6.300 ca mắc ung thư máu mới, hơn 4.700 ca tử vong vì bệnh này. Đây là một trong 7 bệnh ung thư có số ca mắc mới cao nhất Việt Nam.

Chia sẻ bên lề Hội thảo Khoa học Huyết học và truyền máu toàn quốc ngày 24/11, TS.BS Bạch Quốc Khánh, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho biết, với bệnh nhân mắc u máu ác tính, ngoài các phương pháp điều trị thông thường, ghép tế bào gốc tạo máu được coi là phương pháp điều trị tối ưu.

Với những bệnh nhân ung thư máu ác tính, nếu điều trị đơn thuần thì thời gian sống đến 5 năm khoảng 20-30%, nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50-60%.

Đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã ghép tế bào gốc tạo máu cho gần 600 ca bệnh, trong đó 2/3 là ghép tế bào gốc máu đồng loài (từ anh chị em ruột, cha mẹ, máu dây rốn).

truyenmau-1163-1669364678.jpegThầy thuốc Viện Huyết học truyền tế bào gốc cho người bệnh. Ảnh: VietNamNet

Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ca ghép tế bào gốc đồng loài đầu tiên được thực hiện năm 2008 và ghép cho bệnh nhân suy tuỷ xương được tiến hành từ tháng 10/2010. Đến nay, sau 12 năm, bệnh nhân suy tủy xương đầu tiên được ghép tế bào gốc tại Viện vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.

BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Kết quả ghép tế bào gốc đồng loài máu ngoại vi từ người hiến phù hợp hoàn toàn HLA cho các bệnh nhân suy tuỷ xương tại Viện Huyết học Truyền máu TW cho thấy: Đây là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao: tỷ lệ mọc mảnh ghép ngày thứ 30 sau ghép đạt 100%.

Ước tính tỷ lệ sống thêm toàn bộ (OS) và sống thêm không bệnh (DFS) 5 năm sau ghép lần lượt là 84,8% và 91%.

Một trong những biến chứng rất hay gặp là biến chứng nhiễm trùng, đặc biệt là trong giai đoạn điều kiện hoá (điều trị hóa chất liều cao) và mảnh ghép chưa mọc vì bạch cầu trung tính ở bệnh nhân suy tuỷ xương gần như không có.

Khi bạch cầu hạt suy giảm, khả năng phòng vệ của cơ thể cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là miễn dịch không đặc hiệu chống vi khuẩn. Trong những trường hợp này có thể sử dụng kháng sinh và thuốc kích thích tăng trưởng dòng bạch cầu hạt. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chưa kịp phục hồi bạch cầu hạt và bị nhiễm các loại vi khuẩn đa kháng kháng sinh dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Triệu chứng ban đầu của ung thư máu cấp tính, chẩn đoán bệnh bằng cách nào?

- Sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm.

- Gầy sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi.

- Gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương.

- Xuất huyết trên da, chảy máu khó cầm…

Đa số các thể ung thư máu có thể phát hiện thông qua xét nghiệm máu. Một số trường hợp đặc biệt như: số lượng tế bào bạch cầu quá thấp, làm xét nghiệm máu chưa có đủ số lượng tế bào để chẩn đoán chắc chắn ung thư máu. Khi đó, phải làm thêm một số xét nghiệm liên quan miễn dịch di truyền, ưu tiên bệnh phẩm dịch tủy xương (cần chọc tủy). Để chẩn đoán ung thư máu, bệnh nhân thường làm xét nghiệm huyết tủy đồ.

Vũ Hạnh (T/h)