Đó là chia sẻ của ông Trần Ngọc Quế, hiện đang là giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, về hành trình 30 năm gắn bó với "máu".
Thế hệ "đời đầu" vận động hiến máu nhân đạo
Năm 1993, khi ấy ông Quế đang là sinh viên năm 3 Trường đại học Y Hà Nội. Sớm được học tập và hiểu về sự cần thiết của máu đối với người bệnh, ông Quế và 12 tình nguyện viên khác tập hợp thành nhóm tình nguyện chuyên đi vận động thanh niên tham gia hiến máu.
Đến năm 1994, ông Quế cùng với bạn bè thành lập Câu lạc bộ Sinh viên hoạt động nhân đạo, tập hợp sinh viên của các trường đại học tham gia sinh hoạt, qua đó vận động hiến máu tình nguyện.
"Lúc ấy không dám đặt tên có từ "hiến máu", chỉ dám đặt Câu lạc bộ Sinh viên hoạt động nhân đạo bởi khi ấy sự kỳ thị đối với việc hiến máu là rất lớn. Nhiều người khi ấy còn quan niệm hiến máu là xấu, ăn bao nhiêu mới được từng ấy máu lại đi hiến.
Thậm chí, nhiều người còn nghĩ chỉ người nghèo, không có tiền mới phải hiến/bán máu để lấy tiền", ông Quế nhớ lại.
Ngày ấy, để vận động hiến máu nhân đạo, các thành viên câu lạc bộ phải tranh thủ tham gia hầu khắp các "mặt trận". Từ các buổi sinh hoạt tập thể sinh viên, ngày lễ 8-3, hay các buổi sinh hoạt của sinh viên các trường… để có thể vận động hiến máu, tuyên truyền về việc hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe như nhiều người lầm tưởng.
"Đến ngày 24-1-1994, lần đầu tiên ngày hiến máu nhân đạo được tổ chức tại Hà Nội. Đó là dấu mốc vô cùng quan trọng, đánh dấu sự phát triển của phong trào vận động hiến máu thời đó.
Năm 1994, cả nước tiếp nhận được 138.000 đơn vị máu, trong đó chỉ 15% là hiến máu tình nguyện. Đến nay, con số này mỗi năm là 1,4 triệu đơn vị máu, tỉ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%.
Từ phong trào hiến máu nhân đạo, giờ đây đã trở thành hoạt động thường quy, định kỳ. Những chương trình hiến máu nhân đạo được tổ chức thường xuyên, có các điểm hiến máu cố định bao phủ khắp cả nước", ông Quế nói.
Người nặng lòng với "máu"
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, ông Quế có cơ hội về công tác tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Ngoài công tác chuyên môn, đến nay ông Quế đã có 60 lần hiến máu và nằm trong 100 đại biểu trong lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Từ ngày làm việc tại khoa thu gom máu, ông Quế đã gặp nhiều trường hợp cần máu nhưng lại thuộc nhóm máu hiếm, rất khó để tìm được nguồn máu phù hợp.
"Lúc ấy tôi nghĩ phải làm sao để tìm được nguồn máu hiếm tình nguyện hiến máu khi bệnh nhân cần. Sau đó, tôi tập hợp danh sách những người có nhóm máu hiếm đã từng hiến tại viện, kêu gọi họ hỗ trợ bệnh nhân khi cần.
Sau đó, lãnh đạo bệnh viện đồng ý thành lập Câu lạc bộ máu hiếm. Số lượng thành viên ngày càng tăng nhờ mở rộng ra cả người nhà của họ và số lượng người đăng ký hiến máu ngày càng cao, sẵn sàng giúp người bệnh khi cần", ông Quế nói.
Không dừng lại ở đó, ông Quế chia sẻ hiện đang là thành viên hiến máu hòa hợp phenotype. Ông Quế giải thích trong một số trường hợp sau khi truyền máu nhiều lần, trong máu người nhận có thể xuất hiện một số kháng thể có khả năng chống lại hồng cầu người đó. Do đó, người nhận cần phải được truyền máu phù hợp phenotype.
Nhiều bệnh nhân cần nhận máu thường xuyên như bệnh nhân tan máu bẩm sinh, suy tủy… thì cần nhóm máu tương thích cao nhất, đó là máu phenotype. Tức là ngoài các nhóm máu của hệ ABO và hệ Rh thì cần thực hiện những xét nghiệm sâu hơn, cụ thể hóa từng cá thể để có tương thích cao nhất.
"Trải qua hơn 30 năm gắn bó với công tác hiến máu, tôi tin rằng tới đây chúng ta sẽ còn có nhiều phát triển hơn nữa, không chỉ trong công tác hiến máu, hiến tiểu cầu, huyết tương mà còn là máu hiếm, máu hòa hợp phenotype. Để ngày càng giúp được nhiều người bệnh cần máu được điều trị tốt hơn", ông Quế bày tỏ.