TP.HCM ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

Nguyễn Diệp Linh
Ngành y tế TPHCM đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Hiện công tác tầm soát ca bệnh và phòng chống dịch trên địa bàn đang được siết chặt để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.

Sáng 3/10, tại buổi giao ban của Sở Y tế về tình hình dịch bệnh và hoạt động trọng tâm quý IV/2022, PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua hoạt động giám sát, ngành y tế TPHCM đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên.

Ông nói: “Vừa qua, thành phố đã phát hiện 1 ca bệnh đậu mùa khỉ nhờ công tác kiểm soát và giám sát tốt. Sở Y tế TP.HCM sẽ sớm có thông tin chính thức công bố về ca bệnh trên”.

Hiện nay, Sở Y tế thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

truyen-nhiem-1-1683-1664761804.jpgQua tầm soát, giám sát dịch ngành y tế TP.HCM đã phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: báo Tiền Phong

Đối với công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục triển khai giám sát người nhập cảnh qua các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Người nhập cảnh được giám sát thân nhiệt, triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin, lập phiếu điều tra dịch tễ.

Sau khi điều tra, nếu người nhập cảnh được xác định là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ), kiểm dịch viên y tế sẽ hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tổ chức truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh khi có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ thì thông báo ngay cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn.

Đối với công tác sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (Trung tâm y tế, Trạm y tế, phòng khám) tăng cường truyền thông cho người dân. Khi người dân có triệu chứng nghi ngờ, cần đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần).

Ở giai đoạn hiện nay, khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán.

Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân (kể cả các bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn thành phố) khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ bệnh viện phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc. Nếu là trường hợp có thể mắc bệnh sẽ thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Viện Pasteur TPHCM. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, bệnh viện hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng; các trường hợp có thể nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện; các trường hợp xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được giao phối hợp đơn vị nghiên cứu lâm sàng – Đại học Oxford (OUCRU) để tiến hành nghiên cứu ca lâm sàng đối với các trường hợp có thể. Các lớp tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị liên quan sẽ được tổ chức.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, các triệu chứng phổ biến của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban, tổn thương ở da.

Các tổn thương da ban đầu sẽ bằng phẳng, sau đó nổi nốt có dịch, sau một thời gian sẽ đóng vảy, khô và bong ra. Những nốt này có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân và có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.

Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày, các triệu chứng thường 2 đến 3 tuần và thường tự biến mất.

Khác với COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua dịch tiết ra từ vết thương và những giọt bắn. Người có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với người mắc bệnh khi mặt đối mặt, da kề da, miệng kề miệng hoặc miệng kề da, kể cả quan hệ tình dục.

"Khi người bệnh có vết thương hở, sờ vào đồ vật, khi người khác sờ đúng vị trí đó cũng có thể bị lây nhiễm. Theo nghiên cứu, bệnh này lan truyền nhiều nhất ở giới đồng tính nam do có quan hệ đồng tính, do những mụn nước này xuất hiện nhiều ở vùng kín, hậu môn", ông Tâm nói.

Hiện có vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Theo WHO, trong đợt bùng phát dịch bệnh đầu mùa khỉ gần đây, ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5. Thế giới ghi nhận hơn 158 trường hợp, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Vũ Hạnh (T/h)