Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết vaccine đậu mùa khỉ có hiệu quả cao trong việc phòng tránh lây nhiễm, ngay từ hai tuần sau khi tiêm liều đầu tiên.
Hãng thông tấn AFP trích dẫn phân tích sơ bộ do cơ quan này đăng tải cho hay từ ngày 31/7 đến ngày 3/9, những người chưa tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao gấp 14 lần so với những người đã tiêm phòng được 14 ngày trở lên sau mũi tiêm đầu tiên. Kết quả đó được dựa trên các trường hợp lây nhiễm trên toàn quốc.
Mỹ đã ghi nhận trên 25.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát bắt đầu từ tháng 5 năm nay, chủ yếu ảnh hưởng đến những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc CDC Rochelle Walensky: “Những dữ liệu mới trên đã đem lại cho chúng tôi mức độ lạc quan rằng vaccine đang hoạt động hiệu quả như dự kiến”.
Dù vậy, bà Walensky nói thêm rằng ngay cả khi ghi nhận những dữ liệu đầy hứa hẹn này, CDC vẫn khuyến cao những người có nguy cơ nên tiêm đủ hai liều vaccine Jynneos cách nhau 28 ngày để đảm bảo khả năng miễn dịch lâu dài.
Mỹ đã triển khai tiêm trên 680.000 liều vaccine Jynneos, tập trung nhóm đối tượng nam giới đồng tính và song tính, cũng như những người chuyển giới và đa giới tính.
Phó điều phối viên ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ của Nhà Trắng Demetre Daskalakis cho biết chiến lược tiêm chủng đang chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó vaccine sẽ được cung cấp cho những người không bị phơi nhiễm từ trước, thay vì sau khi phơi nhiễm.
Ông nói: “Chiến lược mới này có nghĩa là nhiều người có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hiện tại hoặc trong tương lai đều đủ điều kiện để tiêm vaccine”.
Để giảm kỳ thị, chiến lược mới sẽ cho phép các nhân viên y tế tiêm vaccine ở những vùng khó quan sát như vai hoặc lưng trên, thay vì ở bắp tay.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng do bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, sau khi hơn 16.000 ca mắc bệnh được ghi nhận ở 75 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi, nhưng từ tháng 5 vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài 2 khu vực này và bắt đầu lây lan nhanh. Đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã lan tới hơn 90 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, với hơn 66.000 ca mắc bệnh và 26 ca tử vong, mặc dù tốc độ lây lan đang chậm lại tại một số "điểm nóng" như châu Âu và Mỹ.
Mặc dù virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ động vật sang người, song các chuyên gia y tế nhấn mạnh sự lây lan toàn cầu gần đây là do tiếp xúc gần với người bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da. Bệnh đậu mùa khỉ gây ra các nốt phát ban giống như bệnh đậu mùa và để lại sẹo, chủ yếu ở mặt, hậu môn và bộ phận sinh dục.
Những người mắc bệnh có thể lây lan cho người khác khi đã xuất hiện các triệu chứng và virus lây lan qua chất dịch cơ thể (mủ hoặc máu từ các tổn thương da) và các vật dụng mà người mắc bệnh sử dụng.