Theo đó, trong ngày 6/10, TP HCM đã phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 13 ca.
Các trường hợp đậu mùa khỉ đang được giữ cách ly và điều trị theo dõi. Sở Y tế TP HCM đã và đang tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B, không còn là "tình trạng khẩn cấp" nên sẽ không công bố từng ca riêng, chỉ báo cáo tổng số ca hàng tuần, hàng tháng cùng các bệnh dịch khác.
Các chuyên gia cho rằng đậu mùa khỉ lây nhiễm nội địa chứng tỏ bệnh đã du nhập vào Việt Nam và lưu hành trong cộng đồng. Giải trình tự gene virus lấy từ bệnh nhân thứ ba ghi nhận chủng virus mang kiểu gene khác với hai trường hợp đầu tiên mắc bệnh nhập cảnh từ Dubai vào Việt Nam tháng 10 năm ngoái.
Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, TP HCM đã ghi nhận tổng cộng 28.248 ca mắc bệnh tay chân miệng. Có 318 trường hợp đang được điều trị tại các bệnh viện. Trong đó, có 317 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi (chiếm 99,6% tổng số ca).
Số ca nặng của bệnh tay chân miệng là 41, trong đó có 24 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 3 trường hợp tại Bệnh viện Nhi đồng 2, 7 trường hợp tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và 7 trường hợp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Đối với sốt xuất huyết, TP HCM đã ghi nhận 13.680 ca mắc, trong đó có 174 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện. Trong số này, có 114 trường hợp là người lớn (bao gồm 3 phụ nữ mang thai) và 60 trường hợp là trẻ em.
Về dịch bệnh đau mắt đỏ, mỗi ngày có khoảng 800-900 ca đến các bệnh viện tại TP HCM để khám và điều trị.
Công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, tay chân miệng và đau mắt đỏ vẫn được chú trọng và thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Y tế. Đồng thời, việc truyền thông và cung cấp thông tin cho người dân về cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm cũng được đẩy mạnh.