WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Đặng Thu Hằng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/5 tuyên bố, bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, sau hơn 1 năm duy trì cảnh báo cao đối với dịch bệnh này.

"Tôi rất vui khi tuyên bố đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) nữa", tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo ngày 11/5.

Thông báo được đưa ra một tuần sau thông báo tương tự của WHO với COVID-19. Theo ông Tedros, cũng giống như COVID-19, đậu mùa khỉ sẽ không biến mất. Các quốc gia vẫn cần phải cảnh giác với căn bệnh này.

2022-03-16t145046z1635034106rc2q3t924sfgrtrmadp3health-coronavirus-who-16498971157681580314622-1683866814.jpeg
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: REUTERS)

Hôm 10/5, một ủy ban độc lập về đậu mùa khỉ đã nhóm họp. Cuộc họp khép lại với kết luận đậu mùa khỉ không còn đáp ứng các tiêu chí của một PHEIC. Do đó, họ khuyến nghị WHO nên dỡ bỏ tình trạng này.

Thế giới lần đầu tiên nhận ra đậu mùa khỉ lây lan mạnh vào tháng 5 năm 2022. Đến tháng 7 ông Tedros tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là một tình huống “bất thường” và là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Khi làm như vậy, ông đã bác bỏ ý kiến từ ủy ban chuyên gia của WHO, vốn không khuyến nghị chỉ định bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Đậu mùa khỉ lần đầu xuất hiện ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa dân chủ Congo. Bệnh này có thể lây từ người sang người, nhưng đa phần chỉ xảy ra tại các nước Tây Phi và Trung Phi.

Trong gần một năm qua, đã có 87.400 trường hợp được xác nhận tại 111 quốc gia, trong đó có 140 ca tử vong. Hầu hết các ca mắc được ghi nhận tại các quốc gia trước đây chưa từng có bệnh này.

Các cơ quan y tế châu Âu cho biết 98% bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ là nam giới và 96% trong số này có quan hệ tình dục đồng giới.

Để tránh gây kỳ thị cho người bệnh, WHO đã quyết định đổi tên đậu mùa khỉ thành "mpox" vào tháng 11/2022.

Đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể, giọt bắn trong không khí. Những người tiếp xúc trực tiếp với vết phát ban, vết loét hay chất dịch của người bệnh cũng có nguy cơ bị lây.

Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra phát ban, sốt, đau đầu, đau cơ và sưng hạch bạch huyết. Các tổn thương da có thể kéo dài đến 1 tháng. Người bình thường có thể bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc gần gũi với cơ thể, quần áo hoặc ga trải giường của bệnh nhân.

Thu Hằng