Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện ca đậu mùa khỉ thứ 5

Đặng Thu Hằng
Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hiện thêm một ca bệnh đậu mùa khỉ là nam thanh niên 22 tuổi. Tính đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 5 trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong tổng số 6 trường hợp của cả nước.

Sáng 4/10, đại diện Trung tâm Y tế quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh xác nhận địa bàn vừa ghi nhận ca bệnh đậu màu khỉ đầu tiên là nam 22 tuổi, tạm trú tại Phường 2, quận Tân Bình.

Bà Nguyễn Thanh Trang - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tân Bình cho biết, sau khi nhận được thông tin ca bệnh, Trung tâm Y tế quận đã khẩn trương tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh.

Hiện bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh , sức khỏe ổn định.

Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh báo ngay cho trạm y tế. Bên cạnh đó, người ở chung với bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ căn nhà, phòng và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.

Như vậy, tính đến nay thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 5 trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong tổng số 6 trường hợp của cả nước (riêng hai trường hợp trước đây có nguồn gốc nhiễm bệnh từ nước ngoài).

TPHCM phát hiện ca đậu mùa khỉ thứ 5 - Ảnh 1.Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc, hoặc nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Trước đó, hôm 2/10, người này đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh khám với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ, sau đó kết quả xét nghiệm dương tính. Hiện, anh được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định. Các trường hợp tiếp xúc gần hiện sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu bệnh. Những người này tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, thông báo trạm y tế nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.

Theo kết quả giải mã gene ca đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên được phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh (bệnh nhân có địa chỉ nhà ở Đồng Nai, ở trọ tại thành phố Hồ Chí Minh), đây là chủng virus monkeypox, khác với chủng virus với kiểu gene A.2.1 được phát hiện ở 2 ca nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 10/2022 từ Dubai trước đây. Kiểu gen này giống với các chủng virus monkeypox mới được phát hiện gần đây tại các quốc gia như Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc.

Các chuyên gia y tế cho rằng trong xu thế toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng giữa các quốc gia như hiện nay, nguy cơ bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào và lây lan là hoàn toàn có thể. Các ca đậu mùa khỉ lây nhiễm nội địa chứng tỏ bệnh đã du nhập vào Việt Nam và lưu hành trong cộng đồng, trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng mạnh ở Thái Lan và Trung Quốc.

Đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh phát ban đậu mùa khỉ, bao gồm qua tiếp xúc mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Người này cũng chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần thực hiện những biện pháp sau:

1. Với bệnh nhân người có triệu chứng sốt, phát ban cấp tính dạng mụn mủ quanh bộ phận sinh dục, lòng bàn tay, chân, thân mình, mặt, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

2. Với người tiếp xúc với bệnh nhân, cố gắng tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

3. Với người dân, kể cả bệnh nhân cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân, bao gồm:

  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi.
  • Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

T.H.