Liên quan đến vụ ngộ độc tập thể sau khi ăn chè đậu trắng xảy ra tại xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chiều 10/2, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh An Giang đã có báo cáo tác nhân gây ra vụ ngộ độc.
Trước đó, sở Y tế An Giang đã khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới tích cực điều trị cho các bệnh nhân nặng. Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới tiếp tục phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang điều tra vụ ngộ độc và đã gửi mẫu chè đến Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm.
Theo kết quả kiểm nghiệm, Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh kết luận mẫu chè có các loại vi khuẩn: Bacillus cereus, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Coliforms, Shigella spp và độc tố ruột của Bacillus cereus dương tính/10g. Các loại vi khuẩn trên và độc tố của vi khuẩn Bacillus cereus chính là tác nhân gây ra vụ ngộ độc.
Được biết, Bacillus cereus là một loại vi khuẩn hoại sinh, hiện nay được xem là một tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, chỉ sau Salmonella (vi khuẩn thương hàn) và các virus.
Như đã đưa tin, chiều 3/2, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (44 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) nấu chè đậu trắng để phát từ thiện. Theo bà Tuyết, nguyên liệu sử dụng gồm: 20 kg đậu trắng, 8 kg nếp, 10 kg dừa nạo sẵn, 24 kg đường cát và nước tro tàu. Chè được nấu 6 mẻ, trộn với nhau và đựng trong 2 thau. Thời gian chế biến xong chè và nước cốt dừa khoảng 21 giờ, bảo quản ở nhiệt độ bình thường.
Từ 4 - 6h ngày 4/2, bà Tuyết phân chia chè vào túi (gồm chè và nước cốt dừa) để phát cho mọi người (không hâm nóng lại). Không xác định được chính xác số lượng người ăn và khối lượng chè thành phẩm.
Quá trình chế biến và chia chè vào túi có khoảng 6 người tự nguyện tham gia. Theo các bệnh nhân bị ngộ độc, tất cả đều ăn chè trong khoảng từ 11 giờ 30 - 15 giờ 30 cùng ngày.
Đến 23 giờ ngày 4/2, hàng chục người có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, nôn, sốt... 38 ca đã được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới cấp cứu. Có 4 ca ngộ độc nặng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang điều trị, trong đó 1 trường hợp đã tử vong, 3 người khác đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang.
Huyện Chợ Mới cũng ghi nhận có 50 trường hợp có triệu chứng ngộ độc nhẹ sau khi ăn chè, đã tự mua thuốc uống tại nhà. Hiện 26/34 trường hợp điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.