Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi xôn xao trước vụ việc 35 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn chè đậu trắng được phát miễn phí ở An Giang. Điều đáng tiếc là, trong đó có 01 người ngụ xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, An Giang đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh An Giang do suy đa cơ quan.
Theo như thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông, các trường hợp phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn chè đậu trắng do bà N.T.A.T. (gọi tắt là bà T) nấu và phát mọi người trong xóm. Hiện vụ việc đang được Công an đang khẩn trương thu thập chứng cứ để phục vụ điều tra.
Trước hậu quả nghiêm trọng xảy ra, nhiều người không khỏi đặt câu hỏi, vậy với vụ việc trên ai là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Luật sư Phan Kế Hiền phát biểu: Đối với vụ việc này, hiện nay đã có 1 người chết nên việc khởi tố vụ án hình sự là hoàn toàn có khả năng nếu như cơ quan chức năng xác định được lý do, nguyên nhân ngộ độc xuất phát từ món ăn do bà T chế biến. Từ đó làm cơ sở tiến hành truy cứu trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
“Theo những thông tin từ báo chí, bà T rất có thể bị truy cứu TNHS theo Điều 317 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”, Luật sư Hiền nói.
Căn cứ theo quy định pháp luật, Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín cho rằng: Với hậu quả 1 người tử vong và 31 người (8 nam, 23 nữ) phải nhập viện cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Chợ Mới, 53 người khác triệu chứng nhẹ mua thuốc uống tại nhà đã đủ điều kiện để truy cứu TNHS từ khoản 2 Điều 317 BLHS trở lên.
Trường hợp khác, nếu không đủ cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, bà T có thể bị xử lý về Tội vô ý làm chết người theo Điều 128 BLHS (Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm). Đồng thời, chúng ta cũng cần xem xét về nguồn gốc thực phẩm mà bà T đã mua. Nếu người cung cấp thực phẩm vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm và đủ điều kiện thì cũng có thể bị truy cứu TNHS tại Điều 317 BLHS.
“Theo như thông tin nhận được, bản thân bà T (người nấu chè) cũng ăn và nhập viện cấp cứu ở huyện. Do đó, cần làm rõ và đánh giá sự việc một cách khách quan và đầy đủ nhất, cần xác định nguyên nhân ngộ độc. Từ căn cứ này, trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ được xác định”, Luật sư Hiền cho hay.
Cùng nêu quan điểm về sự việc trên, Luật sư Trương Công Đức (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Vụ việc ngộ độc thực phẩm tại An Giang là để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng khi một người tử vong và nhiều người khác phải nhập viện điều trị. Do có hậu quả chết người xảy ra nên cơ quan điều tra sẽ phải sớm vào cuộc để điều tra xác minh làm rõ.
Theo Luật sư Đức, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân, lấy mẫu các thực phẩm, mẫu thức ăn, nguồn nước mà bà T. sử dụng trong quá trình chế biến nấu chè, cũng như quá trình bảo quả đúng quy trình hay chưa. Tất cả những công việc trên đều mục đích xác định nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc, từ đó có cơ sở, hình thức xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.
Tư Viễn