Theo đó, mẫu chè được Viện Y tế Công cộng TP HCM kiểm nghiệm, dương tính với vi khuẩn Bacillus cereus, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Coliforms, Shigella spp gây nôn ói, tiêu chảy, mất nước, nhiễm trùng...
"Kết quả kiểm nghiệm xác định chè bị nhiễm khuẩn nhưng chưa thể xác định nhiễm khuẩn từ công đoạn chế biến nào hoặc nguyên liệu nào trực tiếp gây ra", Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền cho biết và thêm rằng món ăn không chỉ nhiễm nhiều loại vi khuẩn mà còn có mật độ vi khuẩn khá lớn.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục tìm nguyên nhân khiến món ăn này nhiễm khuẩn.
Như tin đã đưa trước đó, nhân dịp rằm tháng Giêng năm 2023, bà N.A.T (44 tuổi, ngụ xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) tổ chức nấu và cung cấp miễn phí chè đậu trắng cho những người sống lân cận và người đi đường có nhu cầu sử dụng.
Để nấu chè, bà T. mua 20kg đậu trắng, 8kg nếp, 10kg nước cốt dừa, 24kg đường cát và 20.000 đồng nước tro tàu (chỉ sử dụng một nửa).
Bà T. bắt đầu nấu chè từ khoảng 9h tối ngày 3/2. Số nguyên liệu trên được chia làm 6 mẻ nấu, rồi phối trộn chung lại với nhau và được đựng trong 2 thau bảo quản ở nhiệt độ bình thường.
Khoảng 4 – 6h sáng ngày 4/2, bà T. phân chia chè vào bọc nilon để phát; mỗi bọc khoảng 4 chén (trong cùng 1 bọc, nước cốt dừa được chan trực tiếp vào chè). Quá trình phát chè còn có 6 người khác tự nguyện giúp bà T.
Dữ liệu điều tra từ các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ghi nhận, người dân bắt đầu nhận chè đậu trắng do bà T. nấu vào khoảng 6h ngày 4/2. Sau khi nhận chè, một số người mang đi cúng, rồi chia nhau ăn trong khoảng thời gian từ trưa cho đến chiều cùng ngày nhưng không được hâm nóng lại trước khi ăn.
Sau khi ăn, 88 người lần lượt có triệu chứng ngộ độc. Cơ quan chức năng ghi nhận 38 người nhập viện, 4 người triệu chứng nặng chuyển lên tuyến trên, số còn lại tự điều trị tại nhà. Một phụ nữ 63 tuổi đã tử vong sau ba ngày điều trị, những bệnh nhân còn lại hiện sức khỏe đã ổn định.
Hạnh (T/h)