Thừa Thiên - Huế triển khai nhiều mô hình, sáng kiến nỗ lực từng ngày xóa rác thải nhựa

Đặng Thu Hằng
Với mục tiêu thành phố Huế trở thành đô thị giảm nhựa vào năm 2024, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế đã có các mô hình, giải pháp hay, sáng tạo để giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.

Thành phố Huế là đô thị có dân số đông của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Mỗi ngày lượng rác thải đang gia tăng nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, gây sức ép về môi trường và mỹ quan đô thị nên vấn đề phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây trở thành yêu cầu cấp bách được thành phố Huế chú trọng và đẩy mạnh triển khai.

Chính vì vậy Dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” được triển khai thực hiện tại Huế đã và đang góp phần vào mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác nhựa vào năm 2024 của thành phố Huế. Đặc biệt, năm 2023, dự án thành lập mạng lưới đối tác công - tư hành động giảm thiểu rác thải nhựa và thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan chính của khu vực tư nhân và công trong triển khai kế hoạch hành động Đô thị giảm nhựa.

Cụ thể, dự án đã phối hợp với các sở, ban ngành, hội, đoàn cấp tỉnh và các trường học trên địa bàn đẩy mạnh việc tuyên truyền giảm rác thải nhựa và khuyến khích người dân thực hành phân loại rác tại nguồn.

Dự án phối hợp với thành phố Huế triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên 36/36 phường, xã; đẩy mạnh vệ sinh môi trường, xóa bỏ các điểm nóng ô nhiễm và triển khai các mô hình gia tăng tỷ lệ tái chế rác hữu cơ.

1-5-1702897046.jpg
Các thùng rác tái chế đươc đặt khắp thành phố Huế.

Kết quả các hoạt động thu gom được 2.481 tấn rác thải, trong đó có hơn 287 tấn rác nhựa, 6.7 tấn rác nhựa được tái chế. Dự án còn tài trợ thành phố Huế lắp đặt tổng cộng 295 bộ thùng lưu chứa rác nhằm hỗ trợ người dân tham gia phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa thất thoát. Ngoài ra còn lắp đặt 88 camera giám sát tại 17 phường, xã trên địa bàn được kết nối đồng bộ hệ thống camera của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh, nhằm hạn chế tình trạng người dân xả rác, phân loại rác không đúng quy định.

Bên cạnh đó, thông qua dự án đã có 43 trường học áp dụng thí điểm mô hình trường học giảm nhựa, 30 doanh nghiệp cam kết tham gia giảm nhựa, hơn 29.500 túi phân loại được phân phát tại các hộ gia đình ở các tổ trọng điểm triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn, hơn 183 tấn rác thải nhựa thất thoát ra môi trường được thu gom.

Ở Thừa Thiên Huế, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, như: không dùng túi nhựa, túi nilon sử dụng một lần; triển khai các phong trào sử dụng các vật dụng trong kinh doanh sản xuất, sinh hoạt... làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, hoặc có thể tái sử dụng nhằm giảm phát sinh rác thải nhựa.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Hội đã chỉ đạo các cấp Hội triển khai mô hình “Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm sinh học bản địa IMO”, mô hình "Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và chống rác thải nhựa" và đưa vào tiêu chí thi đua từ đầu năm để các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.

Từ năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” thông qua WWF-Việt Nam thực hiện các hoạt động “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quản lý chất thải rắn, xử lý rác hữu cơ và giảm thiểu rác thải nhựa” nhằm phát huy hiệu quả các mô hình phụ nữ sống xanh, hạn chế rác thải ra môi trường.

Trong đó, mô hình “Phụ nữ xung kích tuyên truyền giảm nhựa thúc đẩy du lịch Huế thân thiện với môi trường” tại phường Vĩnh Ninh cũng được thành lập và hoạt động hiệu quả. Sự kiện “Phiên chợ Xanh – vì tương lai Xanh” đã huy động hơn 1000 hội viên, phụ nữ toàn tỉnh tham gia và một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với các gian hàng triển lãm nông sản sạch, sản phẩm enzym tẩy rửa .

rac-thai-1702897261.jpg
Hội viên phụ nữ tích cực tham gia phân loại rác.

Đặc biệt, năm 2023 dự án “Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện lớn diễn ra, như Cuộc thi sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa Huế; đi bộ nhặt rác Hue Plogging 2023, các sự kiện Ngày hội tái chế, “Người dùng hiện đại, không ngại giảm nhựa”, “Hẹn ước hè xanh - Giảm nhựa sống lành” thu hút hàng ngàn người tham gia. Đến nay đã có gần 19.000 lượt học sinh và giáo viên tại thành phố Huế được hưởng lợi từ hoạt động của dự án thông qua các hoạt động rung chuông vàng vì môi trường, trại hè trải nghiệm, lồng ghép nội dung về môi trường vào các môn học chính khóa.

Chưa dừng lại ở đó, từ lâu, túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Sử dụng phổ biến cho nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, do đó, việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon bằng túi cá nhân trong tiêu dùng sẽ góp phần thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường. Tại thành phố Huế, chợ Đông Ba, Siêu thị GO! Huế và Siêu thị Co.opmart Huế là những cơ sở kinh doanh, nơi giao thương mua sắm lớn của địa phương. Mỗi ngày, ước tính có khoảng 81.100 túi ni-lông được sử dụng tại các nơi này; trong đó, chợ Đông Ba là nơi tiêu thụ lớn nhất, chiếm hơn 86%.

Tiểu thương Hoàng Thị Ngọc Hân bộc bạch, thức uống của quầy hàng chủ yếu được nấu từ các loại hạt và pha chế thêm đá mát phù hợp khẩu vị giải khát của người uống. Do đó, việc sử dụng ly cốc, ống hút inox hay giấy sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe hơn cho khách hàng. Trong tương lai, chị sẽ tiếp tục duy trì việc này vì một thành phố Huế xanh, sạch, đẹp hơn.

Cùng với sự chung tay của các hệ thống bán lẻ, trung tâm giao thương lớn của thành phố Huế, Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đã vận động hàng chục cửa hàng thức ăn, đồ uống trên tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng cam kết thực hành các giải pháp giảm nhựa cũng như ra mắt 4 chuỗi cửa hàng áp dụng mô hình refill station (trạm tái nạp đầy).

Dự án cũng được những người nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Tận dụng địa thế gò đồi, nhiều mảnh vườn nằm bên bờ sông Hương được người dân xã Hương Thọ (thành phố Huế) trồng cây thanh trà, bưởi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trước đây, phần lớn người dân sử dụng túi nilon, túi vải không dệt để bọc quả thanh trà thì trong hơn 1 năm trở lại đây, sau khi được chính quyền các cấp vận động thực hiện dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” người trồng thanh trà ở Hương Thọ không còn sử dụng túi nilon như trước.

1nhu-1702897337.jpg
Người dân xã Hương Thọ, thành phố Huế dùng túi vải tự chế từ áo quần cũ làm vỏ bọc quả bưởi thay túi nilon

Ông Lê Văn Chúng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thọ cho biết, việc sử dụng túi bọc làm từ áo quần cũ thay cho túi nilon, túi vải không dệt chứa nhiều chất nhựa nhằm giảm lượng rác nhựa thải ra môi trường trong quá trình sản xuất. Nhận thấy hiệu quả cao từ dự án nên xã Hương Thọ đã vận động 100% hộ dân trồng cây thanh trà và bưởi trên địa bàn tham gia vào mô hình, hướng tới mục tiêu sản xuất loại trái cây đặc sản xứ Huế theo phương pháp hữu cơ, an toàn và thân thiện môi trường.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF đánh giá, Huế là thành phố hình mẫu trong quản lý rác thải; lãnh đạo địa phương có những cam kết cụ thể để phát triển địa phương theo hướng xanh, bền vững. Những năm qua, hưởng lợi từ các dự án phi Chính phủ, tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường, trên các tuyến phố công cộng, khu dân cư, điểm du lịch của thành phố Huế đã xuất hiện nhiều thùng chứa, phân loại rác, các trạm tiếp nước sạch… Các dự án đã góp phần tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc hình thành thói quen, ý thức xanh, chuẩn hóa quy trình xử lý rác. Những hoạt động thiết thực của các dự án tạo giúp người dân và chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng đô thị Huế theo hướng xanh, bền vững.

PV