Ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, hay còn gọi là ô nhiễm trắng đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Do vậy, Việt Nam đã có nhiều chương trình hành động kêu gọi, khuyến khích cộng đồng tiết giảm, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa. Trong cuộc chiến này, vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng, nhất là xử lý các loại rác thải nhựa khó thu gom, khó tái chế như sản phẩm, bao bì nhựa sử dụng một lần.
Đặc biệt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, người dân bắt buộc phải phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn và phải trả phí thu gom, xử lý theo khối lượng rác hoặc thể tích chất thải. Yêu cầu trên cũng là “mệnh lệnh” từ cuộc sống, nhằm bảo đảm chia tách rác thải thành các loại khác nhau, đặc biệt là rác thải nhựa - nguồn ô nhiễm chính, để góp phần giảm lượng chất thải cần xử lý, chôn lấp tại các đô thị lớn ở Việt Nam.
Đơn cử như tại Hà Nội, thống kê từ Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, mỗi ngày hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh trên toàn địa bàn TP thải ra môi trường khoảng từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Phần lớn rác thải nhựa sau khi thải ra sẽ đến những bãi chôn lấp và thậm chí còn thải ra sông, ra biển.
Trong bối cảnh rác thải nhựa đang trở thành một vấn đề toàn cầu thì việc phát triển kinh tế gắn liền bảo vệ môi trường không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Phát triển xanh, phát triển bền vững được xem là giải pháp mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp, nhà bán lẻ nhất là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã có những thay đổi nhất định về nhận thức lẫn hành vi trong xử lý rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng.
Tại các siêu thị Tops Market, vào các ngày thứ Tư trong tuần, khách hàng sẽ được khuyến khích mang theo túi đựng hàng và nhận voucher mua sắm hay quà tặng. Với các khách hàng chưa kịp chuẩn bị, siêu thị sẽ phục vụ cung cấp thùng giấy carton miễn phí ngay tại cửa hàng và có thể mua các loại túi tái sử dụng với giá ưu đãi...
Sở hữu chuỗi bán lẻ lớn nhất cả nước, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (Tập đoàn MASAN) đã triển khai các giải pháp hướng tới bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Ðại diện hệ thống này cho biết, các cửa hàng Winmart đã đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng một lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường. Khách hàng tự sử dụng túi đựng nhiều lần của mình sẽ được khuyến mại giảm giá hoặc trừ tiền trên hóa đơn; tặng túi mua sắm sử dụng nhiều lần với những khách hàng tích cực hưởng ứng chương trình bảo vệ môi trường...
Ðối với nhà sản xuất, Winmart hỗ trợ cho những đối tác cung ứng các sản phẩm thân thiện môi trường bằng nhiều chính sách đặc biệt như: được ưu tiên trưng bày tại siêu thị, được quảng cáo, đặt biển nhận diện... Ðây là những quyền lợi quan trọng để khuyến khích các nhà cung cấp đồng hành phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường và lan tỏa ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.
Là một trong những doanh nghiệp có nhiều hành động cụ thể, thiết thực nhằm giảm thiểu bao bì nhựa trong sản xuất và phân phối, bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Điều phối Ủy ban Phát triển bền vững Tập đoàn TH cho biết: "15 năm qua, chúng tôi đã kiên trì triển khai chiến lược phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh; môi trường là trụ cột quan trọng trong chiến lược đó".
Cụ thể, Tập đoàn TH đã thực hiện hàng loạt giải pháp như: Thay thế túi nilon, thìa nhựa, ống hút từ nhựa dùng một lần bằng nhựa sinh học thân thiện với môi trường. Đồng thời, cắt giảm sử dụng nhựa bằng cách giảm trọng lượng nhựa trên mỗi sản phẩm (cắt giảm ½ thìa sữa chua và đặt mục tiêu giảm 100%); bỏ màng co nắp chai trên tất cả các sản phẩm True WATER. Tổng lượng nhựa mà TH đã giảm thải được từ nỗ lực này lên tới khoảng 40 tấn/năm.
Để khẳng định hướng đi và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và môi trường, TH cũng đã tham gia và là nhà đồng sáng lập của các liên minh như: Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam và Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon. “Với việc sở hữu hơn 400 cửa hàng bán lẻ TH true mart trên toàn quốc và vai trò là nhà sản xuất có trách nhiệm, chúng tôi cam kết thực hiện các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ nhựa trong sản xuất và tiêu dùng”- bà Thủy cho biết .
Hay như Công ty TNHH AEON Việt Nam - nhà bán lẻ Nhật Bản này đã triển khai Dự án ‘Giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần’ trên toàn hệ thống và đã đạt được những thành công đáng kể. Kể từ trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị đầu tiên khai trương năm 2014, 100% túi mua sắm của khu vực siêu thị và trung tâm bách hóa tổng hợp của AEON Việt Nam đều là túi phân hủy sinh học.
AEON Việt Nam cũng triển khai các sáng kiến như “Rent a bag” - dịch vụ cho khách hàng mượn túi môi trường khi mua sắm với giá chỉ 5.000 đồng/túi, tặng 1.000 đồng trên mỗi hóa đơn “xanh”, hay Greenline - quầy thanh toán ưu tiên cho những khách hàng hưởng ứng thói quen mua sắm và tiêu dùng bền vững.
AEON Việt Nam cũng ngừng phân phối các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, ly/tô/đĩa nhựa…, thay bằng các sản phẩm có công năng tương tự làm từ vật liệu thân thiện môi trường như giấy, bột gạo, bột bắp, bã mía…
Đánh giá về lộ trình giảm túi nilon tại Việt Nam nói chung, Giám đốc Chương trình Giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) Nguyễn Thị Diệu Thuý tin tưởng rằng, với sự chủ động tham gia của nhiều nhà sản xuất và bán lẻ, trong thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ tích cực từ phía người tiêu dùng.
“Chỉ có hành động cùng nhau, chúng ta mới có thể hướng tới tiêu dùng bền vững và loại bỏ cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa một cách toàn diện” - bà Nguyễn Thị Diệu Thúy nói.