Thiếu thuốc và vật tư y tế, người bệnh thiệt thòi

Lã Thị Thúy hằng
Tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện đã được các cơ quan báo chí phản ánh gần đây. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của vụ án Công ty Việt Á và sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật mà việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế đang bị chậm trễ, thậm chí ngưng trệ.

Những ngày qua, nhiều bệnh viện trên cả nước xảy ra tình trạng thiếu một số loại thuốc, vật tư y tế do chậm đấu thầu mua sắm. Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện khám chữa bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài để điều trị, nhưng ngay tại các nhà thuốc cũng rất khan hiếm thuốc.

a3-1654910896.jpg

Thiếu thuốc và vật tư y tế, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh

Nhiều nơi thiếu thuốc, vật tư y tế

Một số người bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội phản ánh, trong hơn 1 tháng qua, khi họ có lịch truyền hóa chất theo định kỳ, nhưng khi đến bệnh viện thì được thông báo loại thuốc trong danh mục được Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 50% của bệnh viện đã hế, t và bệnh viện phải hẹn lịch truyền tới đợt khác khi có thuốc về.

Trước đó, một số mặt hàng thuốc tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM) không đủ đáp ứng nhu cầu người bệnh, nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT phải ra ngoài mua thuốc. Hồi tháng 4, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng hết một số loại thuốc trong danh mục BHYT chi trả, khiến nhiều bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc bên ngoài tốn từ 6-15 triệu đồng.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, những bệnh nhân có chỉ định mổ thay thủy tinh thể đều không thể thực hiện được vì bệnh viện không còn thủy tinh thể dự trữ. Ngoài việc hẹn bệnh nhân lịch mổ vào đợt khác, bệnh viện đã thực hiện điều trị bằng laser tạm thời cho những bệnh nhân mà thủy tinh thể đã bị đục. Theo một số bác sĩ, hiện tại những vật tư nhỏ thì có thể chỉ định mua sắm trực tiếp được, nhưng những cái lớn thì bắt buộc phải chờ. Trường hợp quá cấp thiết thì chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác mà họ đang có đủ vật tư để bệnh nhân được can thiệp kịp thời.

Trả lời bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đại biểu đoàn Hà Nội) cũng thừa nhận các bệnh viện công trên toàn quốc đang thiếu vật tư, thiết bị y tế, thiếu thuốc men, sinh phẩm.

"Nguyên nhân do giám đốc các bệnh viện không mặn mà lắm, thậm chí người ta ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Đây là điều đáng quan ngại vì nó ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém cho người bệnh vì họ phải mua vật tư, thuốc ở bên ngoài với giá cao nhưng không kiểm soát được chất lượng", ông Trí nói.

a2-1654910774.jpg

GS. TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội

Dưới góc nhìn của chuyên gia y tế, đồng thời là đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, vực dậy tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. Chính phủ cần vào cuộc ngay để động viên, hướng dẫn, tạo điều kiện để cán bộ quản lý ngành y tế thấy được việc tốt nên làm ngay, việc sai trái cần tránh xa. Nếu để cán bộ quản lý ngành y tế còn lo lắng, ngần ngại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh.

Từng là một cán bộ quản lý ngành y tế, cảm thấy xót xa khi nhìn thấy những bệnh nhân thiếu thuốc, thiếu hóa chất điều trị bệnh tật, song GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng mong xã hội hết sức thông cảm, chia sẻ với ngành y tế lúc này để cán bộ quản lý của ngành y vững tâm, cảm thấy an yên để làm việc, để ngành y vững vàng trở lại, tất cả vì lợi ích của người bệnh.

Những điểm nghẽn trong việc cung ứng thuốc điều trị

Theo các chuyên gia, thực trạng thiếu thuốc điều trị tại các bệnh viện là ảnh hưởng dây chuyền của các khó khăn mà ngành y tế gặp phải. Trong đó nguyên nhân chủ quan là các bất cập trong việc triển khai các quy định không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Một số chính sách trong lĩnh vực dược đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện.

Một nguyên nhân khác, đó là xuất phát từ thực trạng phát hiện nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu ở lĩnh vực y tế thời gian gần đây, khiến cán bộ y tế e ngại, sợ làm sai. Mới đây, lãnh đạo Sở Y tế TP. HCM đã gặp gỡ nhân viên y tế chuyên trách công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế của các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố để nắm tình hình.

Phía các bệnh viện đều có chung một mong muốn: sớm có hướng dẫn rõ ràng hơn, đồng thời cần có một hành lang pháp lý rõ ràng hơn để bảo vệ nhân viên y tế trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.

Theo đại diện một bệnh viện, hiện các cán bộ y tế phụ trách cung ứng vật tư y tế, mua sắm và bảo trì các trang thiết bị y tế đều đứng giữa 2 yêu cầu chính đáng nhưng luôn đối nghịch nhau: Một mặt, phải lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của các nhà chuyên môn trong bệnh viện luôn muốn có những vật tư, thiết bị y tế tốt nhất cho công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân; mặt khác, phải tuân thủ yêu cầu của ban giám đốc bệnh viện, nhất là phải giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng giá dự toán khi đấu thầu mua sắm để đảm bảo giá mua là giá thấp nhất.

Trong năm nay, sẽ có nhiều chính sách của lĩnh vực dược được điều chỉnh, bổ sung như đổi mới thủ tục đăng ký lưu hành thuốc. Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư thay thế Thông tư 32/2018. Bộ Y tế cũng đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Dược sửa đổi nhằm hoàn thiện khung pháp lý theo yêu cầu của thực tế đặt ra và tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn và giải quyết một cách triệt để nguy cơ thiếu thuốc.

Lã Hằng