Cần làm gì để giải bài toán thiếu thuốc và tâm lý sợ đấu thầu?

Lã Thị Thúy Hằng
Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế là chuyện hy hữu. Thế nhưng các bệnh viện đang rơi vào tình cảnh này. Liệu có phải bệnh viện sợ mua sắm là do tâm lý từ các vụ vi phạm liên quan đến Công ty Việt Á hay luật đấu thầu có kẽ hở gây khó cho bệnh?

Điệp khúc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nỗi lòng người bệnh

Theo lịch hẹn, bố con anh N.T.L ở Nam Định bắt chuyến xe lúc 5h sáng để đến Bệnh viện Mắt trung ương đúng giờ. Chưa kịp lo lắng cho ca mổ thì lại nhận về cảm giác hụt hẫng và bực bội khi bệnh viện hết vật tư.

Cũng chung tình trạng “chờ khi nào bệnh viện có thủy tỉnh thể sẽ được mổ” là trường hợp bố của chị Trần Thị Vinh, cũng ở Nam Định. Tuy nhiên, đây là lần thứ 2 gia đình chị nhận được câu trả lời “hết vật tư”.

“Lần trước lên khám, sau 2 tiếng, bệnh viện lại bảo không có thủy tinh thể hẹn một tuần sau quay lại. Tuần này, gọi viện hỏi, họ nói có, ngay sáng sớm hôm sau bắt xe lên. Khám hơn 2 tiếng xong thì lại báo hết thủy tinh thế. Ông bà đi lại rất mất thời gian, bà thì say xe, rất khổ ”, chị Vinh bức xúc.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao một bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối để xảy ra tình trạng thiếu thủy tinh thể phục vụ điều trị trong một thời gian tương đối dài?

Còn nhớ chuyện xảy ra tại Bệnh viện chợ Rẫy – TP.HCM cuối tháng 4 vừa rồi, nhiều bệnh nhân ghép thận đã không được cấp phát thuốc chống thải ghép (đây là loại thuốc được BHYT chi trả), lý do vì bệnh viện không còn thuốc. Để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, các bệnh nhân đã phải chấp nhận tìm mua thuốc ngoài thị trường với chi phí rất cao, điều này ảnh hưởng đến cuộc sống vốn đã khó khăn của người bệnh.

Nhưng đến thời điểm này, thiếu thuốc không còn là chuyện chỉ xảy ra ở bệnh viện Chợ Rẫy. Liên tiếp những vụ việc tương tự: thiếu thuốc, thiếu sinh phẩm hay vật tư, trang thiết bị diễn ra tại nhiều bệnh viện khác như Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện đa khoa và Bệnh viện mắt tỉnh Thái Bình…

Bệnh viện “loay hoay” khi thiếu điều kiện để chữa bệnh

Trong giai đoạn hiện nay, khi nhu cầu KCB tăng cao - cũng có nghĩa là yêu cầu về thuốc, vật tư y tế cũng tăng. Có 2 cách thường được các bệnh viện áp dụng trong thời điểm hiện nay, một là thỏa thuận với bệnh nhân, nếu đồng ý thanh toán thì giữ lại điều trị, còn không thì chuyển lên tuyến trên hoặc chuyển đến các cơ sở điều trị khác.

Lãnh đạo của một bệnh viện đa khoa tại khu vực Tây Bắc chia sẻ với VOV2, có những trường hợp dù về mặt chuyên môn bệnh viện có thể điều trị được, nhưng bệnh nhân sẽ phải chờ đợi đến khi bệnh viện có đủ thiết bị, vật tư y tế thì cuộc mổ mới được diễn ra. Vì lẽ đó, bệnh viện đã chọn giải pháp an toàn cho người bệnh và cũng là “an toàn” cho chính mình.

“Có những trường hợp bị thiếu vật tư hoặc có trường hợp chưa mua sắm được thì sẽ phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chuyển sang các cơ sở điều trị khác”, vị bác sĩ này chia sẻ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt Thái Bình hay một số bệnh viện khác cũng đang thực hiện theo cách này. Thậm chí, ngay cả Bệnh viện tuyến trung ương cũng phải làm như vậy.

Chia sẻ với PV VOV2 một bác sĩ ở khoa cấp cứu của một BV trung ương tại Hà Nội cho biết: “Hiện tại những vật tư nhỏ thì có thể chỉ định mua sắm trực tiếp được, nhưng những cái lớn thì bắt buộc phải chờ. Còn đôi khi vạn bất đắc dĩ quá thì phải chuyển bệnh nhân đến một cơ sở y tế khác mà họ đang có đủ vật tư tiêu hao đó để bệnh nhân được can thiệp kịp thời”.

Và trớ trêu thay, có những tình huống kết quả điều trị lại phụ thuộc phần lớn vào quyết định của bệnh nhân và người nhà. “Nếu như người nhà bệnh nhân hợp tác thì câu chuyện sẽ suôn sẻ. Nhưng nếu người nhà bệnh nhân không hợp tác, trong lúc cấp cứu bảo người nhà đi mua cái nọ, đi mua cái kia do quá trình đấu thầu của bệnh viện chưa hoàn thiện hoặc do bệnh viện chưa mua được thì đấy là những điều rất dễ gây bức xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân”.

Cho dù, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương và cơ sở y tế công lập mua sắm để kịp thời cung ứng thuốc. Sở Y tế nhiều tỉnh, thành phố cũng yêu cầu các đơn vị khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, tuy nhiên, nhiều bệnh viện vẫn đang “loay hoay” tìm lời giải an toàn cho bài toán này.

Sợ làm dễ bị sai hay sợ đấu thầu?

Tại phiên họp Quốc hội tuần trước, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn bày tỏ, hiện các cơ sở y tế sợ không dám mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc, trang thiết bị. Tâm lý sợ mua sắm, đấu thầu là do đâu?

Nhìn nhận vấn đề này GS.TS Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho rằng: “Cán bộ quản lý sợ nên không mua thuốc, vật tư, tôi nói sợ ở đây là sợ trong ngoặc kép,“sợ” như thế này đã 3 năm rồi. Vì nhận ra đã có rất nhiều vi phạm. Qua những vụ việc bị vi phạm mới nhận ra ở đây là đang thiếu đi hành lang pháp lý, nếu mình làm có thể xảy ra sai phạm vì thế nên họ dừng lại”.

Nếu làm có thể xảy ra sai phạm – đây cũng là tâm tư của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Định. “Những khó khăn trước đây như việc thu thập nhân viên y tế, thuốc men trang thiết bị y tế không được cải thiện mà còn trở nên tệ hơn bao giờ hết, nỗi lo mua sắm thuốc và thiết bị là nỗi lo lớn nhất của các bệnh viện. Ngay gần đây một vị Bộ trưởng "than phiền" với tôi về việc muốn mua một viên kháng sinh rất thông dụng nhưng không thể mua được”, đại biểu Lân Hiếu chia sẻ.

Vậy vì sao nếu làm lại dễ dẫn đến sai phạm?

Hiện công tác đấu thầu có gì bất cập, có thể “gây khó” cho các bệnh viện? Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan-Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, không ai có thể tự tin khẳng định yên tâm về kết quả đấu thầu bởi vì, nếu đáp ứng hết tất cả quy trình, thủ tục, luật lệ… thì lại dẫn đến là không có hàng hoặc sản phẩm đó không đáp ứng chất lượng.

“Chẳng hạn như mặt hàng thuốc, chúng ta đặt ra mục tiêu càng rẻ càng tốt, năm sau phải rẻ hơn năm trước. Và khi các bệnh viện trúng thầu (có nghĩa là giá đáp ứng yêu cầu rẻ) nhưng thời gian sau, thuốc đó được đấu thầu ở một địa phương cách rất xa với giá rẻ hơn thì BHYT sẽ yêu cầu áp theo giá rẻ hơn đó và xuất toán. Tôi đồng ý rằng tiền của nhà nước và tiền do nhân dân đóng góp cần được chi tiêu hợp lý, tiết kiệm nhưng liệu đã có những nghiên cứu nào khẳng định rằng thuốc càng ngày càng rẻ thì liệu có ảnh hưởng đến chất lượng điều trị hay không?”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) băn khoăn.

Lãnh đạo một bệnh viện tại tỉnh Sơn La cũng bày tỏ sự e ngại về những bất cập trong chính sách của Luật đấu thầu đang được áp dụng hiện nay. “Hiện nay các bệnh viện đều gặp khó khăn. Mặc dù việc mua sắm vẫn thực hiện theo luật đấu thầu, nhưng chủ yếu dựa theo luật đấu thầu của lĩnh vực xây dựng, chưa có quy định riêng về đấu thầu cho y tế; thứ 2 là về công khai giá thì nhiều công ty công khai giá không chính xác nên các đơn vị khi tham khảo giá rất khó khăn hoặc có những công ty không muốn niêm yết giá công khai ”.

Trao đổi với PV VOV2, Luật sư Nguyễn Văn Chiến - nguyên đại biểu QH thành phố Hà Nội cũng cho rằng, nội dung Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 cho thấy, pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá quá lớn. Đó là được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá… Tuy nhiên, lại quá dễ dãi khi không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định; hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép bất cứ từ bên nào. Vì vậy, theo luật sư Chiến, việc thẩm định giá chính là kẽ hở gây khó cho các bệnh viện trong việc mua sắm, đấu thầu.

“Muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó. Còn nếu muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản như: thương hiệu, giấy phép…? Chỉ đến khi vụ việc bị cáo giác, Thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết số liệu, kết quả thẩm định giá là… “khống”, luật sư Nguyễn Văn Chiến khẳng định.

Lời giải nào cho bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế?

Cùng với hàng loạt những nguyên nhân chủ quan và khách quan vừa nêu, có thể thấy việc đấu thầu, mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế vẫn là một bài toán nan giải đối với các bệnh viện.

Làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn đại biểu QH TP HCM cho rằng, “cần tăng tính tự chủ cho bệnh viện. Có thể thực hiện thí điểm việc bệnh viện tính định suất, một năm có thể đón tiếp bao nhiêu bệnh nhân, hoạt động kiểu như bệnh viện tư nhân, với cách làm này, bệnh viện có đảm bảo vấn đề giấy tờ sổ sách cũng như có làm cho bệnh nhân hài lòng hay không, theo tôi cần đánh giá về mặt kết quả”.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, đấu thầu không phải hình thức duy nhất, chúng ta có thể đấu giá một cách công khai, ví dụ quản lý ngành có thể đưa ra mức giá trần không cho phép vượt qua mức giá đó.

“Chẳng hạn như thuốc không còn trong thời hạn bảo hộ độc quyền nữa thì đa số có giá rẻ, nhưng nếu cứ áp giá rẻ cho thuốc thì điều trị chưa chắc đã chất lượng. Các bệnh viện vì thương hiệu họ chú trọng đến chất lượng điều trị nên họ biết thuốc nào tốt cho chữa bệnh, vì thế nên trao quyền cho bệnh viện. Thế còn, đối với những thuốc độc quyền để chữa các bệnh chuyên biệt thì loại thuốc này cần sự điều phối từ bình diện quốc gia để tiết kiệm được chi phí”, đại biểu Phong Lan chia sẻ.

Cho đến khi có kết quả đấu thầu năm 2022, các bệnh viện vẫn tiếp tục ngóng chờ những giải pháp cụ thể và tích cực từ chính sách.

Hàng loạt những đề xuất cũng đã được nêu như kiến nghị Bộ Y tế sớm gia hạn, cấp lại số đăng ký cho các thuốc đã hết hạn lưu hành. Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung Quốc gia sớm có kết quả đàm phán giá thuốc và đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đồng thời, cần cập nhật các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 98/2021 của Chính phủ liên quan đến công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế...

Riêng với những thuốc hiếm, thuốc ít sử dụng cho bệnh nhân, các bệnh viện cho rằng nên có một trung tâm dự trữ, điều phối cấp quốc gia, bệnh viện nào cần thì liên hệ lấy thuốc, giúp bệnh nhân kịp thời điều trị trong thời gian vàng, thay vì từng nơi tự chủ động dự trữ như hiện nay.

Đáng chú ý, Sở Y tế TP HCM đề xuất UBND thành phô tái lập Trung tâm mua sắm tập trung hàng hóa, tài sản công của ngành y tế theo hướng chuyên nghiệp. Việc tái lập Trung tâm này sẽ giúp mua sắm được giá tốt, giá cả thống nhất và để các y bác sĩ yên tâm phục vụ cho người bệnh nhiều hơn.

Tuy nhiên, với một trung tâm được tái lập sau nhiều năm không hoạt động, liệu có mang lại hiệu quả như kỳ vọng?

Trong bối cảnh tâm lý của cán bộ y tế đang bị tác động mạnh, hệ thống luật pháp với các quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế chưa hoàn chỉnh như hiện nay, liệu cán bộ y tế có dễ để vượt qua tâm lý “nếu làm lại sợ sai phạm”?.

Cần sớm sửa đổi, ban hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế-kiến nghị của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, thiết nghĩ đó cũng là mong muốn của ngành Y trong lúc này./.

“Chúng tôi rất mong có cơ chế quản lý đấu thầu mua sắm rõ ràng để anh em làm hạn chế sai sót và như vậy tiến độ chắc chắn đảm bảo để phục vụ cho người bệnh”.

BS Vi Hồng Kỳ- Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Sơn La

"Mong Quốc hội, Chính phủ thấy được những bất cập để bổ sung vào luật pháp. Mong cán bộ quản lý ngành y tìm cách khắc phục. Sự chia sẻ thấu hiểu này của xã hội, cộng đồng và đặc biệt của chính phủ sẽ giúp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để có thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ người bệnh".

GS-TS Nguyễn Anh Trí- Đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội