Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội thông tin, trong tuần 42 (cập nhật đến ngày 21/10), Hà Nội ghi nhận 1.420 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận/huyện/thị xã.
Trong đó, bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận huyện như: Đan Phượng (251), Thanh Oai (142), Phú Xuyên (89), Nam Từ Liêm (79) và Đống Đa (63).
Cộng dồn năm 2022, TP có 8.199 ca mắc, 5 bệnh nhân tử vong. CDC Hà Nội đánh giá: “Số mắc tăng gấp 3,3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (2.482 mắc, 0 tử vong)”. Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2, DENV4.
Trong tuần này, TP cũng ghi nhận thêm 38 ổ dịch mới tại: Thanh Oai (7), Thanh Trì (6), Bắc Từ Liêm (5), Đan Phượng (4), Đống Đa (2), Thanh Xuân (2), Phúc Thọ (2), Hoài Đức (2). Các quận, huyện Đông Anh, Hà Đông, Thạch Thất, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Chương Mỹ, Mê Linh và Quốc Oai đều thêm 1 ổ dịch.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 8.199 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 517/579 xã, phường, thị trấn. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện.
Theo Bộ Y tế, năm nay số ca mắc sốt xuất huyết và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Điển hình như tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), trong tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, nhưng sang tháng 9 đã tăng lên 160 bệnh nhân, từ đầu tháng 10 đến nay là 250 bệnh nhân. Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các quận, huyện của Hà Nội như: Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên… sau đó lan vào các quận bên trong như: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai.
Vì vậy, theo Sở Y tế, để tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, huy động tất cả các lực lượng tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông về sốt xuất huyết; thường xuyên ra quân thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường.
Lực lượng y tế tăng cường xuống địa bàn để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết; giám sát chặt chẽ, nắm chắc các ổ dịch hiện có và mới phát sinh; tổ chức phun hoá chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Vũ Hạnh (T/h)