Từ đầu năm đến nay, riêng ở 20 tỉnh thành phía Nam đã phát hiện hơn 200.000 ca sốt xuất huyết. Trong đó, sốt xuất huyết người lớn chiếm 53%.
Những con số cho thấy sự tăng cao bất thường của số ca sốt xuất huyết ở người lớn cùng những biến chứng nguy hiểm. Tỷ lệ sốt xuất huyết ở trẻ cũng đáng báo động càng cho thấy không nên chủ quan với chứng bệnh truyền nhiễm này.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng. Cụ thể, trong tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 ca, đến tháng 9, con số này tăng lên 160 ca và từ đầu tháng 10 đến nay, Trung tâm đã ghi nhận 250 ca.
Các bệnh nhân ghi nhận đa số tại các huyện ngoại thành, như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức và quận Long Biên… sau đó lan vào các quận nội thành như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng vọt so với những năm trước. Các chuyên gia lo ngại, trong tháng 11 và 12 tới có thể sẽ là đỉnh dịch của sốt xuất huyết năm nay. Bên cạnh đó, thời tiết bắt đầu vào mùa Đông có nguy cơ bùng phát một số bệnh gây dịch khác như cúm, sởi, thủy đậu, adenovirus...
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới ghi nhận 10-20 bệnh nhân nặng. Các bệnh nhân đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Nhiều bệnh nhân còn có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, hoặc trên cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ do COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ tới bệnh sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, khi máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thấp thì mới đến viện. Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu, hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận, thậm chí có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.
Tại TPHCM, Sở Y tế Thành phố vừa có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân sốt xuất huyết. Cụ thể, khi người bệnh sốt xuất huyết nặng trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ đe dọa tính mạng, cơ sở y tế phải kích hoạt quy trình thực hiện báo động đỏ đối với người bệnh nội viện hoặc liên viện để kịp thời cấp cứu.
Quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện đối với bệnh nhân được kích hoạt khi có một trong các điều kiện, như người bệnh ngưng thở đột ngột, tim ngưng; người bệnh nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhưng không thể tiếp cận đường thở, mạch máu; người bệnh nặng (sốc, suy tạng nặng) không đáp ứng điều trị hồi sức tích cực hoặc vượt khả năng điều trị, nhưng không thể chuyển viện an toàn.
Trường hợp người bệnh sốt xuất huyết nặng có xuất huyết nặng (thường gặp xuất huyết tiêu hóa ồ ạt) trong tình trạng nguy kịch không đáp ứng điều trị nội khoa, cần phải can thiệp cầm máu khẩn cấp, nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và có nguy cơ tử vong nếu chuyển viện, tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện hoặc cả hai nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Mới đây, Sở Y tế Hà Nội cũng đã thành lập tổ chuyên gia về điều trị sốt xuất huyết. Nhiệm vụ của tổ chuyên gia là tham gia cập nhật, bổ sung hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; xây dựng các đồng thuận trong điều trị trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; tham gia hội đồng chuyên môn phân tích, rút kinh nghiệm các trường hợp nặng, tử vong; tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân nặng và tham gia quy trình báo động đỏ trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân nặng.
Hạnh (T/h)