“Biến” rác thải nhựa thành tiền tạo quỹ giúp người nghèo
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ đối với công tác bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tân Trụ (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) đã phát động mô hình “biến rác thải nhựa thành tiền”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tân Trụ cho biết cứ 3 tháng/lần, nhóm chị em phụ nữ thị trấn Tân Trụ cùng nhau tập kết ve chai tại điểm văn hóa khu phố. Sau đó, tại đây các chị cùng nhau phân loại rồi bán cho vựa ve chai. Trung bình, mỗi đợt các chị thu khoảng 2 triệu đồng.
"Lúc đầu chỉ phát động mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" ở khu phố Tân Bình. Thấy mô hình có hiệu quả, nên Hội LHPNVN thị trấn Tân Trụ nhân rộng ra 2 khu phố nữa", bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho hay.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, sau khoảng 6 năm triển khai, mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền" đã thực sự phát huy hiệu quả, ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ ngày càng được nâng lên, tình trạng thải rác thải nhựa bừa bãi ra môi trường được hạn chế rất nhiều…
Người dân sẽ được hướng dẫn phân chia vào 3 thùng rác gồm vô cơ, hữu cơ và tái sử dụng. Rác hữu cơ sẽ được ủ với men vi sinh làm phân bón cho cây; rác tái sử dụng sẽ đem đến khu phố Bình Lợi ủng hộ phong trào "biến rác thải nhựa thành tiền" nhằm giúp phụ nữ và trẻ em nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Cũng nhờ mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền", mấy năm qua Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Tân Trụ đã giúp cho 5 hộ nghèo khởi nghiệp với hình thức cho vay không tính lãi. Đồng thời, hỗ trợ quà cho người nghèo trên địa bàn. Trước sự hiệu quả của mô hình "biến rác thải nhựa thành tiền", thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình.
Mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa
Nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần của các tiểu thương, người tiêu dùng, Tỉnh đoàn Bình Thuận đã triển khai hơn 250 đội hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” ở các huyện, thị, thành.
Với phương châm “Vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp”, chung tay hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”, “nói không với túi nilon và sản phẩm từ nhựa sử dụng 1 lần”, Tỉnh đoàn đã triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”. Sau gần 3 năm triển khai, tính đến nay các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thành lập hơn 250 đội hình tình nguyện với hơn 600 đoàn viên thanh niên tham gia.
Các đội hình được chia thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau thực hiện các công việc tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa cho các tiểu thương, người mua hàng. Cụ thể hướng dẫn, vận động người dân đi mua sắm tại chợ thay đổi thói quen sử dụng túi nhựa và túi nilon, bằng cách mang theo giỏ, hộp đựng dùng nhiều lần; túi giấy và túi nilon dễ phân hủy… Các tiểu thương buôn bán tại chợ thì chủ động sử dụng lá chuối, báo, túi giấy để gói, các sản phẩm. Đồng thời, phát tặng túi vải cho người dân tham gia mua bán tại chợ, phát khẩu trang y tế cho người dân...
Được biết, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thường xuyên triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”. Điển hình như huyện đoàn Phú Quý đã tổ chức chương trình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa - Đổi chai nhựa lấy cây xanh”. Tại chương trình đã đổi chai nhựa, pin đã qua sử dụng lấy túi xách thân thiện môi trường, vở trắng, truyện tranh, cây xanh. Kết quả đã đổi được hơn 200 tập sách vở, 100 túi xách thân thiện môi trường và hơn 200 cây xanh, qua đó thu gom được hàng ngàn chai nhựa và hơn 100 cục pin cũ.
Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình này để hành động chống rác thải nhựa sẽ nhanh chóng tạo được sự lan tỏa rộng rãi tại các cơ sở, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, đoàn viên thanh niên trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.
Hiệu quả từ mô hình “đổi rác thải nhựa lấy quà”
“Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh” là một trong những hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường từ đó giúp hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn của mỗi cá nhân, mỗi gia đình Cà Mau. Chương trình đã mang lại hiệu quả kép, không chỉ làm giảm thiểu việc vứt rác thải nhựa ra môi trường mà còn phát động phong trào trồng cây, lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.
Hoạt động được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau duy trì trong 2 năm qua. Mới đây, chương trình được diễn ra tại xã Tân Lộc, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng Hành động vì môi trường năm 2023. Vỏ chai nhựa được người dân phân loại tại nhà rồi mang đổi lấy cây giống, với các loại như: Mãng cầu gai, bưởi da xanh. Cứ 1,5-2kg rác thải nhựa sẽ được quy đổi thành 1 cây giống tùy chọn. Tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng ai cũng háo hức khi tham gia hoạt động này, bởi nó góp phần tạo động lực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, hoạt động “Đổi rác thải tái chế lấy cây xanh” đã thu hút được rất nhiều người dân tới tham gia, ban tổ chức thu về hơn 500kg rác thải nhựa, tương ứng với hơn 1 ngàn cây giống được quy đổi.
Không chỉ vậy, khi đổi rác thải lấy cây xanh người dân còn được truyền thông hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt, được tặng các sản phẩm thân thiện với môi trường và trang bị dụng cụ làm vệ sinh môi trường, tham gia trồng cây xanh tạo mỹ quan...