Tại đây, Trung tâm Đột qụy, Bệnh viện Bạch Mai lần đầu công bố kết quả nghiên cứu mới nhất, lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của các trung tâm, đơn vị đột quỵ tại 10 bệnh viện lớn trên cả nước.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện nay, số bệnh nhân đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong “giờ vàng” tuy chưa cao nhưng đã tăng so với trước đây. Tỷ lệ điều trị tái tưới máu mới chỉ đạt 14% trong tổng số 33% số bệnh nhân đột quỵ được đưa đến bệnh viện sớm. Từ thực tế này cho thấy, các bệnh viện cần hoàn thiện quy trình, rút ngắn quá trình đánh giá để người bệnh có thể được điều trị tái tưới máu trong thời gian vàng từ 5-6 giờ, kể từ khi có dấu hiệu bị đột quỵ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ được điều trị tại các trung tâm, đơn vị đột quỵ trong cả nước chiếm hơn 7%. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai là 10%, bệnh nhân trẻ nhất mới 11 tuổi.
“Trong kết quả nghiên cứu đáng chú ý là ca đột quỵ là người trẻ có tỷ lệ chảy máu não cao, chiếm tới 46%. Trong số này có tới 78% bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp. Đây cũng là lý do dẫn đến nguy cơ chảy máu não ở người trẻ. Nhiều người trẻ bị tăng huyết áp nhưng không đi tầm soát để phát hiện bệnh, không được điều trị hoặc điều trị không thường xuyên, tự ngừng uống thuốc. Từ kết quả nghiên cứu này, chúng tôi sẽ có chiến lược tuyên truyền để giảm thiểu tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ”, TS.Mai Duy Tôn cho hay.
Bên cạnh những kết quả nghiên cứu mới nhất về bệnh nhân đột quỵ, các thầy thuốc cũng cập nhật những kiến thức mới nhất về chẩn đoán, điều trị, can thiệp mạch não và các kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ có tính ứng dụng cao trong lâm sàng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Giờ vàng đối với bệnh nhân nói chung và giờ vàng đối với bệnh nhân đột quỵ nói riêng là rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân ở các tỉnh chuyển đến, có những bệnh nhân còn rất trẻ, dưới 40 tuổi. Trước đây, nếu bị đột quỵ là để lại gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội vì bị tàn phế rất cao, nhưng nay nếu tiếp cận với thầy thuốc sớm, phác đồ chuẩn sẽ trở lại cuộc sống như bình thường… Thời gian qua, hàng nghìn bệnh nhân, kể cả người nước ngoài được Bệnh viện Bạch Mai cứu sống ngoạn mục và sau điều trị, tiếp tục đi làm bình thường”.
Dịp này, Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố quyết định thành lập Bộ môn Đột quỵ và bệnh lý mạch máu não được xây dựng trên cơ sở Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai. Đây là bộ môn đào tạo chuyên sâu về đột quỵ đầu tiên trên cả nước./.