33 tuổi đột quỵ, tê liệt nửa người, cảnh báo thói quen mà nhiều người mắc phải

Đặng Thu Hằng
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mới tiếp nhận trường hợp người đàn ông 33 tuổi bị đột quỵ, ban đầu không xác định được nguyên nhân.

Mới đây, một người đàn ông sau một giấc ngủ, tỉnh dậy đã xuất hiện tình trạng tê liệt nửa người. Ngay sau đó, anh này được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tại khoa Đột quỵ não kết quả phim chụp bệnh nhân có nhồi máu não. Khi được bác sĩ thông báo bị đột quỵ và vào viện đã qua giai đoạn vàng can thiệp bệnh nhân đã rất ngỡ ngàng.

Bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm, kết quả có rối loạn mỡ máu, huyết áp hơi cao, mạch máu não và tim mạch không có vấn đề bất thường.

dotquy2-1304-1663646757.jpeg

Một bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại bệnh viện 108. (Ảnh: Vietnamnet)

Tuy nhiên, khai thác tiền sử của bệnh nhân 33 tuổi mới biết, anh là chủ nhà hàng nên thường xuyên phải tiếp khách. Trung bình mỗi ngày, người đàn ông này uống khoảng 500-750ml/rượu, thậm chí có ngày uống 1 lít rượu. Bên cạnh đó, anh cũng hút 2 bao thuốc lá hàng ngày.

Những thói quen như xấu như lạm dụng thuốc lá, rượu bia khiến cho bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu và xơ vữa mạch máu, dẫn tới đột quỵ.

Theo bác sĩ Phạm Văn Cường - Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ: "Không ít trường hợp bệnh nhân trẻ, chỉ mới hơn 30 tuổi đã bị đột quỵ do có nhiều thói quen xấu. Bệnh nhân nam 33 tuổi này vào viện muộn nhưng sau đó vẫn có khả năng phục hồi chức năng, hiện các chức năng của người bệnh đã được phục hồi gần như hoàn toàn".

Bác sĩ Cường cũng liệt kê ra 4 thói quen xấu gặp rất nhiều ở người trẻ Việt Nam làm gia tăng nguy cơ đột quỵ sớm:

- Lạm dụng đồ uống có cồn: Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sử dụng đồ uống có cồn. Không hiếm để bắt gặp những hình ảnh người trẻ uống rượu bia tại những quán xá trong nhà hàng, hè phố.

- Dùng nhiều thức ăn nhanh: Các thức ăn nhanh được giới trẻ ưu thích. Loại loại thức ăn nhanh thường giàu chất béo, tinh bột, hàm lượng Natri cao, trong khi ít chất xơ, vitamin và khoáng chất, nếu thường xuyên ăn sẽ ảnh hưởng rối loạn chuyển hoá lipit máu, tăng nguy cơ thừa cân béo phì, xơ vữa mạch máu, đột quỵ.

- Lười vận động, ít tập thể dục: Điều này là yếu tố gây thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hoá khác trong cơ thể.

- Thói quen thức khuya, sinh hoạt không điều độ: Người trẻ thường thức khuya, dành thời gian chơi điện tử, lướt web, làm việc… cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới huyết áp và sức khoẻ tim mạch.

Bên cạnh đó, những căng thẳng, áp lực trong công việc cũng là một điều kiện thuận lợi khởi phát đột quỵ khi người bệnh đã có sẵn nguy cơ cao.

Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Vậy nên mọi người cần phải đặc biệt quan tâm đến các vấn đề ăn uống hàng ngày, sinh hoạt điều độ và tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh đột quỵ.

Dấu hiệu nhận biết bệnh đột quỵ

- Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể bảo bệnh nhân cười và quan sát.

- Đột ngột cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ.

- Đột ngột nhức đầu dữ dội hay chóng mặt, bệnh nhân không yếu liệt chi nhưng không thể ngồi hay đi đứng được như người bình thường.

- Đột ngột mất thị lực: Mờ mắt, nhìn không rõ.

- Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. Có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ.

Sơ cứu khi gặp bệnh nhân bị đột quỵ não

Khi nhận thấy những dấu hiệu bệnh nhân bị đột quỵ thì thời gian là vô cùng quan trọng. Do vậy cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt (vì thời gian vàng trong đột quỵ não là 4,5 giờ nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối (làm tan cục máu đông) hoặc trong 6-8 giờ lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não.

Nếu người bệnh được điều trị trong khoảng thời gian này hoặc sớm hơn thì hoàn toàn có cơ hội hồi phục, hạn chế tối đa biến chứng. Ngược lại nếu điều trị muộn hơn, việc điều trị rất khó khăn, cơ hội phục hồi sẽ thấp đi, khả năng tiên lượng xấu rất cao.

Cách phòng tránh đột quỵ

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: ăn nhiều các loại rau, củ quả, ngũ cốc, thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể. Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành. Hạn chế ăn thịt đỏ, các loại đồ ăn nhanh, chiên rán, dầu mỡ.

- Tập thể dục hàng ngày: giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.

- Giữ ấm cơ thể: Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.

- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe của bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.

- Kiểm tra sức khoẻ định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

T.H.