Đột quỵ tăng cao vào mùa nắng nóng

Lã Thị Thúy Hằng
Theo thống kê y học cho thấy, số người bị đột quỵ tăng cao hơn vào hè, cứ nhiệt độ tăng 1 độ C, nguy cơ đột quỵ tăng 10%. Với thời tiết nắng nóng, nguy cơ bị đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời dao động từ 32 độ C trở lên.

Người già và trẻ em dễ gặp phải biến cố đột quỵ do nắng nóng vì nhóm đối tượng này thích nghi với sự tăng nhiệt chậm hơn so với những người khác. Ngoài ra, người sống trong khu vực đô thị thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người ở vùng nông thôn.

Nguyên nhân là vì ban ngày trời nóng, những người ở thành phố chịu hiệu ứng đô thị, dẫn đến nhiệt độ môi trường đô thị thường tăng cao hơn mức nhiệt thời tiết. Trong khi đó, vào ban đêm lại xảy ra hiện tượng “đảo nhiệt”, tức là nhiệt độ từ đường nhựa, bê tông phả ra ngoài, khiến cho nhiệt độ buổi tối giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.

a1-1656757758.jpg

Số người bị đột quỵ tăng cao hơn vào hè.

Phòng chống đột quỵ trong mùa nắng nóng như thế nào?

Tuân thủ điều trị bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái thái đường…

Uống nhiều nước: Mất nước nhiều là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Vì vậy, chúng ta cần chịu khó uống nhiều nước và uống đều đặn để bù vào lượng nước mà cơ thể con người bị thiếu hụt. Không nên đợi đến lúc khát mới uống. Uống đủ ít nhất 2 lít nước/1 ngày.

Cố gắng vận động: Thời tiết nóng làm cho chúng ta ngại vận động nhưng thực tế việc tập thể dục hoặc vận động cơ thể sẽ giúp tăng khả năng chịu đựng của thành mạch và làm giảm nguy cơ đột quỵ tốt hơn. Nên tập lúc trời râm mát.

Ăn nhiều rau xanh, hoa quả: Các acid amin có trong thực vật sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho tim mạch của chúng ta, giúp điều hòa huyết áp tốt hơn.

Tránh sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ trong khoảng thời gian ngắn, gây bất lợi cho sức khỏe bởi cơ thể cần thời gian để thích nghi với những thay đổi. Khi dùng máy điều hòa, chỉ nên khống chế nhiệt độ ở khoảng 27oC và mức chênh lệch trong và ngoài phòng tốt nhất không nên vượt quá 7 độ C.

Người cao tuổi có bệnh tim mạch đã từng đột quỵ thì không nên ra ngoài nắng sau 10h sáng. Không làm việc hoạt động gắng sức khi cơ thể mệt mỏi, đói, khát khi ở ngoài trời nắng.

Các yếu tố khác: Kiểm soát stress, ăn uống lành mạnh (tăng cường trái cây rau quả); ngủ đủ giấc; kiểm soát huyết áp và đường huyết; tránh xa rượu bia; thuốc lá; khám sức khỏe định kỳ.

TH