Người phụ nữ tử vong sau 13 ngày bị răng chó dại đã chết cứa vào tay

Nguyễn Diệp Linh
Trong quá trình xử lý xác con chó dại, bà B. không may trượt ngã, tay bị răng chó cứa vào. Do chủ quan, bà B chỉ xử lý vết thương bằng xà phòng chứ không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng bệnh dại.

Ngày 19/10, ông Hồ Ngọc Gia- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại, đứng đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên (trong năm 2022).

Mới đây, ngày 21/8, bà B. (SN 1969, làng B, xã Gào, TP. Pleiku) có triệu chứng sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, co giật. Khoảng 13 ngày sau nạn nhân đã tử vong. Hàng xóm của nạn nhân cho biết, vào tháng 7/2022 có một con chó tự nhiên cắn bé gái trong làng. Bé gái sau đó đã được tiêm phòng dại đủ 5 mũi. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý xác con chó dại, bà B. không may trượt ngã, tay bị răng chó cứa vào. Bà B. chỉ xử lý vết thương bằng xà phòng chứ không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng bệnh dại.

Được biết, năm nay số ca tử vong vì bệnh dại xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về loại bệnh này. Đã có đến 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành trong 9 tháng qua, trong hàng trăm nghìn người bị chó, mèo cắn phải tiêm vaccine phòng dại với tổng chi phí hơn 300 tỷ đồng.

Bộ Y tế phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.

tiem-dai-cho-cho-meo-1-1666163190.jpegTiêm vaccine cho chó, mèo để chủ động phòng ngừa bệnh dại. Ảnh: báo Đại đoàn kết
 

Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỉ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.

Bệnh dại là bệnh do virus hướng thần kinh, gây viêm não tủy cấp tính và là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật máu nóng và lây truyền cho người thông qua các chất bài tiết có chứa virus dại từ vết cắn, cào, liếm của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% (kể cả người và động vật). Tuy nhiên, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Bộ Y tế cho biết, bệnh dại gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.

PGS.TS Trần Đắc Phu-nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng lưu ý, bằng mắt thường không thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không, do đó khi có người nhà bị chó dại cắn cần theo dõi con vật. Nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được tư vấn. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường 2-4 ngày.

“Đáng nói là nhiều trường hợp nghĩ chó nhà nuôi cắn thì không sao và trước đó con chó cũng không có biểu hiện gì đặc biệt nên nhiều người chủ quan không tiêm phòng. Chỉ đến khi bất ngờ lên cơn dại mới vội vàng tiêm vaccine phòng bệnh thì đã quá muộn. Lúc này, virus bệnh dại đã lên não và phát bệnh thì không có thuốc nào chữa được” - BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết.

Đề cập tới các giải pháp, theo ông Phan Trọng Lân-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, có 3 giải pháp chính để loại trừ bệnh dại trên người, trong đó quan trọng nhất chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Nếu tiêm phòng cho chó chỉ mất 20.000-40.000 đồng/con nhưng nếu người bị cắn phải điều trị dự phòng thì tốn 1,5-2 triệu đồng/người. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Rất có thể sẽ dẫn đến những biến chứng chết người.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã ký ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn. Các đơn vị y tế cần tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế đề được khám, tư vấn và tiêm phòng vaccine dại kịp thời; đồng thời truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận…

Hạnh (T/h)