Người phụ nữ 15 lần hiến máu 'quý như vàng'

Đặng Thu Hằng
“Tôi nhớ mãi cái nắm tay và những giọt nước mắt xúc động của vợ bệnh nhân. Tôi tin không chỉ bản thân mình mà ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ sẵn sàng hiến máu cứu người, trao đi hy vọng sống”, người phụ nữ mang dòng máu quý như vàng chia sẻ.

Lần đầu tiên biết mình mang nhóm máu hiếm O Rh(-) khi tham gia chương trình hiến máu tình nguyện năm 2006, kể từ đó đến nay, chị Lê Bích Thủy (nhà báo, trú tại Hà Nội) đã trở thành tình nguyện viên quen thuộc của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Ngày 10/12, tại buổi gặp mặt 160 người hiến máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype của viện, chị là một trong số 20 tình nguyện viên tích cực được nhận giấy khen.

Nữ nhà báo 45 tuổi chia sẻ chị từng 15 lần hiến máu toàn phần. Điều đó đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân có cùng nhóm máu hiếm qua cơn nguy kịch. Để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn máu từ người có nhóm máu hiếm, các bác sĩ của Viện Huyết học động viên chị “để dành” cho những lần cần cấp cứu bệnh nhân.

"Một lần, khi đang tập yoga vào buổi trưa, tôi nhận thông tin từ viện cần hiến máu gấp. Bệnh nhân là nam thanh niên còn rất trẻ quê Phú Thọ có nhóm máu O Rh(-), bị bỏng nặng, đang trong tình trạng nguy kịch. Dù vậy, tôi chỉ hiến được một đơn vị máu, trong khi bệnh nhân cần gấp 5 lần. Khi biết được điều đó, tôi rủ thêm gần 10 người trong nhóm tập cùng đến hiến máu để đổi lấy máu hiếm cho bệnh nhân”, chị Thủy nhớ lại.

Kết quả, khoảng 10 đơn vị máu hiếm được huy động. Bệnh nhân được truyền máu kịp thời nên đã may mắn qua cơn nguy kịch. Chị tâm sự: “Tôi nhớ mãi cái nắm tay và những giọt nước mắt xúc động của vợ bệnh nhân. Tôi tin, không chỉ bản thân mình mà ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ sẵn sàng hiến máu cứu người, trao đi hy vọng sự sống”.

Đó là một trong rất nhiều kỷ niệm mà nữ nhà báo không thể quên trong những lần hiến máu khẩn cấp để cứu người suốt 16 năm qua.

hienmau4-1-1169-1670734337.jpeg
Sau 16 năm kể từ khi phát hiện mình mang nhóm máu hiếm, chị Lê Bích Thủy đã có 15 lần hiến máu, giúp nhiều người được cứu sống kịp thời. (Ảnh: NVCC)

Theo các bác sĩ, người có nhóm máu O Rh(-) có thể cho tất cả mọi người nhưng bản thân họ chỉ tiếp nhận được duy nhất nhóm máu này. Bởi vậy, hơn ai hết, những tình nguyện viên như chị Thủy đều hiểu rằng người có nhóm máu thông thường được đáp ứng kịp thời đã rất quý giá, với người có nhóm máu cực hiếm, họ càng khát khao hơn.

Do đó, những tình nguyện viên trong Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Bắc nơi chị Thủy tham gia luôn sẵn sàng hiến khi biết được thông tin kêu gọi.

Theo quy ước của Hội Truyền máu Quốc tế, một nhóm máu có tần suất xuất hiện dưới 0,1% được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm.

ts-que-2-1-1172-1670734332.jpeg
TS Trần Ngọc Quế cho hay ở Việt Nam chưa đến 100.000 người có nhóm máu hiếm Rh (-). (Ảnh: H.N)

“Ở Việt Nam, nhóm máu Rh(D) âm là nhóm máu hiếm vì chỉ chiếm gần 0,1% dân số, chưa đến 100.000 người”, TS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Vì vậy, dù cuộc sống bình thường, họ vẫn có khả năng gặp rủi ro cao hơn. Bởi khi cần truyền máu do tai nạn hay phẫu thuật cấp cứu..., không phải lúc nào bệnh viện nơi cấp cứu cũng có sẵn nhóm máu tương thích.

Theo TS Quế, việc huy động người hiến máu có nhóm máu hiếm hoặc nhóm máu hòa hợp phenotype hiện còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, Viện Huyết học tiếp nhận dự trù gần 350 đơn vị chế phẩm máu nhóm hiếm và 780 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn chỉ đáp ứng được khoảng 30%, 70% còn lại viện huy động trực tiếp, khẩn cấp từ những người hiến máu. Vì thế, nguồn máu hiếm được hiến từ những người như chị Thủy được xem là "quý như vàng".