Nên hạn chế ăn mỳ tôm thường xuyên

Lã Thị Thúy hằng
Khi sử dụng mỳ ăn liền, nên coi mỳ ăn liền chỉ là 1 thực phẩm. Để tạo thành món ăn hay bữa ăn đạt yêu cầu về dinh dưỡng hợp lý cần kết hợp với các thực phẩm nhóm khác như nhóm cung cấp chất đạm (thịt, trứng, tôm…), nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ (rau, quả…).

Mỳ tôm chứa phụ gia EO

Đức phát đi cảnh báo về một số sản phẩm mỳ ăn liền có chứa chất ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng, gây hại cho sức khỏe. Trong khi mỳ tôm là món ăn được nhiều người sử dụng vì tính tiện lợi.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, EO là chất không dùng trong thực phẩm bởi đây không phải là chất phụ gia. Các nhà sản xuất thường sử dụng chất EO trong khử trùng sản phẩm.

EO có tác dụng khử trùng rất tốt, thường để diệt các loại vi khuẩn gây ẩm mốc và khử trùng triệt để các dụng cụ y tế. Tuy nhiên, trong quá trình khử trùng sẽ có thể còn tồn dư lại một lượng EO.

Ông Thịnh cho biết, chất EO là chất độc và có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hiện nay các nhà khoa học chưa có nghiên cứu hàm lượng EO bao nhiêu thì ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng theo các nhà y học, nếu chất EO tích lũy dần trong cơ thể con người, tùy theo từng thể trạng (người già, người trẻ, phụ nữ...) sẽ gây ảnh hưởng đến gan, thận...

a2-1658791934.jpg

Mỳ tôm là món ăn phổ biến nhưng lại ít dinh dưỡng, cần kết hợp với nhiều thực phẩm khác.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Trâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam cho biết, EO thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy. EO được sử dụng chủ yếu làm hóa chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.

Ngoài ra, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng (xử lý mối mọt...) có hiệu quả cao. Ở nhiều quốc gia chất này được sử dụng cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế... để kiểm soát vi khuẩn Salmonella).

Nên ăn mỳ tôm kết hợp với thực phẩm khác

Tạ hội thảo chuyên đề "An toàn thực phẩm và dinh dưỡng đúng cách đối với sức khỏe cộng đồng" diễn ra mới đây, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, mỳ ăn liền thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo, bún, bánh phở, bánh mỳ… Khi sử dụng mỳ ăn liền, nên coi mỳ ăn liền chỉ là 1 thực phẩm. Để tạo thành món ăn hay bữa ăn đạt yêu cầu về dinh dưỡng hợp lý cần kết hợp với các thực phẩm nhóm khác như nhóm cung cấp chất đạm (thịt, trứng, tôm…), nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ (rau, quả…).

Trong khi quy định về hàm lượng chất EO cho phép trong mỳ tôm ở Việt Nam đang được các cơ quan chức năng xem xét xây dựng, các chuyên gia cho rằng mỳ tôm vẫn là loại thực phẩm an toàn. Người dùng chọn loại mỳ ăn liền được cấp phép bởi các cơ quan quản lý có thẩm quyền, còn nguyên bao gói, trong hạn sử dụng, được nấu chín và ăn ngay sau khi nấu. Vì thế, mỳ ăn liền là thực phẩm được lưu thông phân phối tại nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, tốt nhất khi ăn mỳ là ăn kèm rau xanh cũng như các loại thịt khác và hạn chế sử dụng các gói gia vị ăn liền. Mỳ ăn liền vốn được chiên qua dầu, vì thế lượng chất béo bão hòa (khó tan) khá nhiều. Đây là chất béo làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh tim mạch nếu đi vào mạch máu, gây xơ vữa động mạch.

Chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn bao nhiêu mỳ ăn liền sẽ bất lợi cho sức khoẻ. Nhưng việc bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng, nhiều chất béo bão hòa sẽ khiến cơ thể thiếu nhiều dưỡng chất như đạm, vitamin, kẽm, chất xơ… Thành phần chính của mỳ gói là mỳ ép thành bánh và bột nêm. Trên thế giới, mỳ thường được xử lý qua công nghệ sấy và chiên.

Ở Việt Nam hiện nay, mỳ chủ yếu được xử lý qua công nghệ chiên. Dầu sử dụng để chiên là loại shortening (loại mỡ nhân tạo) không có lợi cho sức khỏe. Mỳ chiên có độ oxy hóa cao (oxy hóa là tác nhân gây ra các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư). Gói bột nêm là muối và bột ngọt; lượng thịt, tôm (nếu có) rất hạn chế. Dầu trong gói bột nêm cũng được xử lý chiên, bị ôxy hóa.

Ngoài ra, trong các loại thực phẩm đóng gói, đóng hộp có rất nhiều muối. Ở mỳ ăn liền, muối có trong sợi mỳ và trong gói bột nêm chiếm 1/3 lượng muối cần thiết cho cơ thể mỗi ngày.

"Mỳ tôm gần như rất ít giá trị dinh dưỡng nên hạn chế ăn mỳ, khi ăn nên kết hợp cùng các thực phẩm khác", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

TH