Nam thanh niên bị sốc nhiệt do đi xe máy về quê giữa trưa nắng

Lã Thị Thúy Hằng
Sau hai giờ đi xe máy từ Hà Nội về Phú Thọ giữa trưa nắng nóng, nam thanh niên xuất hiện tình trạng sốc nhiệt với biểu hiện đau đầu vật vã, người nóng, mất ý thức, hôn mê sâu…, nguy cơ tử vong cao do sốc nhiệt.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, sau 22 ngày điều trị tích cực, cơ sở này vừa cấp cứu thành công nam thanh niên 21 tuổi bị say nắng, say nóng gây biến chứng nghiêm trọng do chạy xe máy đường dài giữa trưa.

a13-1716969321.jpg

Bệnh nhân sốc nhiệt được cấp cứu và điều trị tích cực. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Cụ thể, vào cuối tháng 4, ngay trước dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thời điểm miền bắc bắt đầu bước vào đợt nắng nóng gay gắt, nam bệnh nhân này quyết định đi xe máy từ Hà Nội về quê ở Phú Thọ, xuất phát giữa trưa.

Sau hơn 2 giờ đi xe máy giữa trưa nắng (từ 12h đến hơn 14h), chàng trai 21 tuổi về đến Phú Thọ nhưng sau đó xuất hiện đau đầu vật vã, người nóng như than, ý thức giảm dần, gọi hỏi không biết…

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu ban đầu tại trung tâm y tế huyện, sau đó được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, thở qua bóp bóng, co giật toàn thân, nhiệt độ cơ thể 40,5 độ C, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt mức độ nặng, nguy cơ tử vong cao 30-40%. Đây là ca bệnh khó.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để kiểm soát nhiệt độ cơ thể và các biện pháp hồi sức tích cực khác như thở máy, dùng thuốc vận mạch, lọc máu, bù nước, điện giải… để điều chỉnh các rối loạn do tình trạng sốc và tăng thân nhiệt gây ra.

Đến nay, sau 22 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của người bệnh mới ổn định hoàn toàn và được ra viện.

Thời điểm này miền Bắc cũng đang rất nắng nóng. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời trong khoảng thời gian 11-15h; nếu ra ngoài trời cần chống nắng bằng cách đội mũ rộng vành, áo dài tay, kính mắt, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.

Đặc biệt, cần phải uống đủ nước, nên uống 2-3 lít nước mỗi ngày.

Nếu phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát; cởi bớt quần áo, cho uống nước có pha muối và chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng...

Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như như sốt cao hoặc hôn mê, cần đưa đi cấp cứu kịp thời.

L.Hằng