Mô hình “Ngân hàng bò” tạo sinh kế cho hộ nghèo

Đặng Thu Hằng
Chương trình "Ngân hàng bò" được Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam triển khai từ năm 2010, mục tiêu giúp những gia đình hoàn cảnh khó khăn thông qua hình thức trợ giúp bò sinh sản. Trên địa bàn huyện Tân Lạc (tỉnh Hoà Bình) chương trình được Hội CTĐ huyện triển khai thời gian qua đã trao hàng trăm con bò giống cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh kế bền vững, đem đến cơ hội vươn lên thoát nghèo.

Hộ bà Bùi Thị Nửn, xóm Ngay, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) nhận bò giống từ chương trình "Ngân hàng bò".

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Trà, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tân Lạc cho biết: Mô hình "Ngân hàng bò" được đánh giá là mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người được thụ hưởng có thêm tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh kế nâng cao thu nhập. Nguồn kinh phí mua bò giống được trích từ quỹ hoạt động của Hội CTĐ, do các cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm đóng góp thông qua các đợt kêu gọi ủng hộ. Đối tượng được nhận bò đều qua bình xét tại khu dân cư, phù hợp tiêu chí đề ra thuộc hộ nghèo, có sức khỏe, khả năng chăn nuôi. Qua triển khai thực hiện, từ vài cặp bò giống ban đầu, mô hình đã được nhân rộng trên khắp địa bàn huyện, trao thêm hy vọng thoát nghèo cho các đối tượng thụ hưởng.

Triển khai chương trình từ năm 2010, mô hình "Ngân hàng bò" đã đến với người nghèo huyện Tân Lạc và cho thấy kết quả tích cực. Chương trình được triển khai tại các xã, thị trấn, nhất là địa bàn vùng khó khăn, vùng cao của huyện như: Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông, Phú Cường, Suối Hoa... với hàng trăm con bò được trao cho hộ nghèo. Từ năm 2023 đến nay, Hội CTĐ cùng các nhà hảo tâm đã trao 18 con bò, tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Những con bò giống được chăm sóc, sinh sản tốt, có những hộ từ 1 con giống ban đầu giờ tăng lên 3 - 4 con, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi con bò được nhân giống là nhân thêm niềm vui, hy vọng cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

"Ngân hàng bò" là mô hình sáng tạo, hiệu quả, hộ nghèo nhận bò giống về nuôi, nếu đẻ lứa đầu là con cái tiếp tục chăm sóc bê con thêm 6 tháng tuổi, sau đó chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác trên địa bàn nuôi. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống. Cứ như vậy, số lượng bò giống gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ nghèo được trợ giúp. Để mô hình đạt hiệu quả, tiêu chí chọn đối tượng hưởng lợi từ chương trình là hộ nghèo nhưng phải có sức lao động, chuồng trại để chăn nuôi.

Hộ bà Bùi Thị Nửn, xóm Ngay, xã Mỹ Hòa thuộc hộ nghèo trên địa bàn, thu nhập cả gia đình chỉ trông vào làm thuê, sức khỏe hạn chế, cuộc sống bấp bênh. Qua bình xét của Hội CTĐ huyện và chính quyền địa phương, cuối tháng 4/2024, bà Nửn nhận 1 con bò giống từ chương trình "Ngân hàng bò", đồng thời được cán bộ xã tư vấn, hỗ trợ kiến thức chăn nuôi bò sinh sản, tạo sinh kế, có cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Bà Nửn cho biết: "Tôi rất phấn khởi khi được Hội CTĐ huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền xã quan tâm, giúp gia đình có con bò giống để mưu sinh, nâng cao thu nhập. Tôi sẽ chăm nuôi thật tốt để bò khỏe mạnh, tạo nguồn lực phát triển kinh tế. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ hơn nữa, tạo điều kiện để hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo".

Chương trình "Ngân hàng bò" là hoạt động ý nghĩa của Hội CTĐ huyện Tân Lạc, kết nối những tấm lòng hảo tâm, sự sẻ chia, chung tay của cộng đồng đến với những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương, thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Để mô hình tiếp tục được nhân rộng, mong muốn có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm để chương trình tiếp tục lan tỏa, phát triển sâu rộng, tạo nhiều nguồn sinh kế bền vững, trao thêm hy vọng thoát nghèo cho nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.