Với một chương trình nghị sự dày đặc, hội nghị khí hậu toàn cầu năm nay được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề then chốt nhưng cũng hết sức khó khăn, bao gồm cả việc đảm bảo nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước nghèo và nâng tham vọng hành động khí hậu nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.
Hội nghị COP27 diễn ra trong vòng 2 tuần, từ ngày 6-18/11 với sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay. Các chủ đề chính tại hội nghị này là phát triển hydro xanh, an ninh nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm nay diễn ra trong bối cảnh tình trạng Trái Đất ấm lên đã gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Các hiện tượng thời tiết như nắng nóng gay gắt và mưa lớn bất thường đã xảy ra khắp nơi trên thế giới, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người bị mất nhà cửa do thiên tai từ đầu năm tới nay.
Phát biểu trước thềm khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres đã nhấn mạnh tới tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Ông kêu gọi một cách tiếp cận toàn cầu trong vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó các cuộc thảo luận tại COP 27 phải dựa trên tinh thần công bằng khí hậu, đoàn kết và tin cậy quốc tế.
“Đã đến lúc cần có một thỏa thuận mang tính lịch sử giữa các nước phát triển và mới nổi. Một thỏa thuận mà trong đó các nước phát triển sẽ thực hiện cam kết đã đưa ra tại Pari cũng những nỗ lực để giảm phát thải nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C. Đây cũng là thỏa thuận mà trong đó các nước giàu có sẽ mang lại những khoản hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật cùng với sự hỗ trợ từ các công ty công nghệ và các ngân hàng phát triển đa phương nhằm giúp các quốc gia mới nổi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng vì nó cần thiết với tất cả chúng ta. Hội nghị COP27 cần phải là địa điểm để thu hẹp khoảng cách tham vọng, sự tin cậy và đoàn kết”.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các mục tiêu đề ra, đặc biệt là vấn đề tài chính khí hậu và tham vọng hành động vì khí hậu, đều là những vấn đề hóc búa trong bối cảnh thế giới đang trải qua những diễn biến địa chính trị không thuận lợi và kinh tế toàn cầu đang đà suy giảm. Trong khi các quốc gia châu Âu đang oằn mình đối phó với một mùa Đông giá lạnh do thiếu nhiên liệu, cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực cũng đẩy nhiều quốc gia vào tình thế khó khăn với lạm phát tăng vọt.
Cuộc họp về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Bonn, Đức tháng 6/2022 kết thúc trong ảm đạm đã phần nào báo trước rằng các vòng thảo luận tại hội nghị COP27 để đạt được đồng thuận trong vấn đề tài chính khí hậu, thiết lập cơ sở tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các mục tiêu cắt giảm khí thải sẽ hết sức cam go.
Trong thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị COP27, Giám đốc điều hành quỹ hòa bình xanh Ghiwa Nakat nhấn mạnh: “Các tác động của biến đổi khí hậu đối với thế giới là rất nhiều và nguy hiểm, nhưng chúng ta không thể làm chậm cũng như đảo ngược những viễn cảnh u ám này nếu không có sự phối hợp hành động chung của quốc tế nhằm giảm phát thải một cách nhanh chóng và nghiêm túc nhằm hướng tới độc lập về năng lượng. Vì tất cả những lý do này, Tổ chức hòa bình xanh kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP27 tạo ra một cơ chế tài chính nhằm bù đắp tổn thất và thiệt hại cho các cộng đồng dễ bị tổn thương bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, bên cạnh việc thực hiện cam kết giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của giới phân tích, nếu không có nguồn tài chính cần thiết, các nước đang phát triển không thể đầu tư khẩn cấp cho hành động khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững./.