Một cảnh báo sớm trước 24 giờ có thể giúp giảm thiệt hại lên tới 30%
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng lấy ngày này là Ngày ASEAN về quản lý thiên tai. Đây là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng về những biện pháp cần thiết để giảm thiểu các nguy cơ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay tập trung vào Mục tiêu G của Khung Sendai “Tăng cường tính bền vững và khả năng tiếp cận hệ thống cảnh báo sớm đa hiểm họa cho người dân đến năm 2030".
Mục tiêu chính của Khung hành động Sendai là tránh tạo ra các rủi ro mới và giảm thiểu các rủi ro hiện có. Khi điều đó là không thể thì hệ thống cảnh báo sớm lấy con người là trung tâm và các hoạt động phòng ngừa để thực hiện các hành động sớm chính là cách để giảm thiểu thiệt hại về người và của cũng như sinh kế.
Hệ thống cảnh báo sớm có khi không thể tự động xác định các hiểm họa có thể xảy ra, do đó nó cần phải đảm bảo rằng người dân và các ngành liên quan nhận được thông tin cảnh báo, hiểu được thông tin và quan trọng hơn nữa là có hành động kịp thời. Hệ thống cảnh báo sớm cần kích hoạt các hành động sớm đã được chuẩn bị và diễn tập kỹ lưỡng trước đó.
Trong trường hợp thiên tai khởi phát nhanh, cần phải nhanh chóng sơ tán và tìm nơi trú tránh an toàn. Hành động sớm cũng bao gồm xác định các vật dụng cứu trợ và các biện pháp để giảm thiểu tác động bất lợi của thiên tai.
Hệ thống cảnh báo sớm cần phải bao gồm đa hiểm họa (được thiết kế để phát hiện các hiểm họa khác nhau mà có thể xảy ra một mình, đồng thời hoặc liên tiếp nhau ); đến tận người dân (hệ thống bao trùm khu vực rộng lớn, từ phát hiện hiểm họa đến hành động, bao gồm, với các thông tin cảnh báo dễ hiểu và hỗ trợ việc thực hiện); lấy người dân làm trung tâm (có nghĩa là hệ thống được thiết kế đặt con người làm trung tâm, trao quyền và để người dân có thể hành động kịp thời để giảm thiểu tác động tiềm tàng của thiên tai tốt nhất…).
Theo Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), một cảnh báo sớm trước 24 giờ có thể giúp giảm thiệt hại lên tới 30%, cứu sống nhiều sinh mạng. Nhờ vào thành công của các hệ thống cảnh báo sớm, cũng như do dự báo thời tiết chính xác hơn và quản lý thiên tai chủ động và phối hợp, số người thiệt mạng do các thảm họa khí hậu đã giảm gần 3 lần trong 50 năm qua.
Thiên tai ngày càng khốc liệt
Những năm gần đây, thiên tai ngày càng gia tăng về số lượng cũng như độ khốc liệt và bất thường. Cùng với đại dịch COVID-19, toàn thể nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất và mang tính sống còn nhất từ trước đến nay.
Với vị trí địa lý và điều kiện địa hình phức tạp, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia bị ảnh hưởng của rất nhiều loại hình hiểm họa như bão, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, nhiễm mặn… gây tổn hại nghiêm trọng về người, vật chất và phá hủy môi trường. Đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu đã làm cho hiểm họa ở Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng, cường độ và mức độ ảnh hưởng, gây tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Tính riêng năm 2020, thiên tai tại nước ta diễn ra không theo quy luật, dị thường và khốc liệt với 16 loại hình bao gồm: 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6-22/10 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long… Năm 2020, trên quy mô toàn quốc thiên tai đã làm 291 người chết, 64 người mất tích, 876 người bị thương, ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng.
Đến năm 2021, tại Việt Nam có 841 trận thiên tai, với 18 loại hình trên tổng số 22 loại hình thiên tai, trong đó, 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại hơn 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với năm 2020 thiên tai làm 357 người chết và mất tích, thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng, thì năm 2021 là năm giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đặc biệt, vào những ngày cuối tháng 9 khi cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) được nhận định là cơn bão mạnh nhất trong 2 thập kỷ qua đổ bộ vào Việt Nam, cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bổ vào đất liền vào ban đêm, nhưng cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc khẩn trương, đồng bộ, nên đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Trong chưa đầy 2 ngày trước khi bão đổ bộ các địa phương và các lực lượng kêu gọi, hướng dẫn cho 57.840 tàu thuyền (299.678 người) di chuyển tránh trú và neo đậu an toàn; trong ngày 27/9/2022 đã tổ chức sơ tán hơn 108.441 hộ dân (340.863 nhân khẩu) đến nơi an toàn. Vận động, tuyên truyền và di dời người dân tại 20.712ha và 4.571 lồng, bè nuôi trồng thủy sản lên bờ, đảm bảo an toàn không để xảy ra rủi ro khi bão đổ bộ. Các lực lượng đã tập trung gia cố bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình hạ tầng; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa…; hạn chế giao thông khi bão đổ bộ. Đó thực sự là một trong những tiến bộ đáng ghi nhận trong công tác phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thảm họa.
Đặc biệt hơn, năm 2023 cũng là năm Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai. Do vậy, những bài học kinh nghiệm, những cam kết thực hiện các nghị định, công ước của Việt Nam về biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò là cầu nối hiệu quả, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa khối ASEAN với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về những giải pháp mang tính chiến lược để giải quyết nhiều rủi ro cùng một lúc.
Trong bài phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai khẳng định Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các cơ chế hợp tác về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thực hiện có trách nhiệm các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận hợp tác quốc tế.