Kiến thức về sơ cứu cho phép bạn hỗ trợ những người bị thương trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc tình huống khẩn cấp cho đến khi có sự trợ giúp. Các kỹ năng sơ cấp cứu có thể được áp dụng tại nhà, nơi làm việc hoặc các địa điểm công cộng.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phan Thị Xuân - Trưởng khoa Cấp cứu, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nắm vững kiến thức sơ cấp cứu có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của trường hợp khẩn cấp trong một thời gian và địa điểm nhất định.
Dưới đây là 4 kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản được bác sĩ Xuân tư vấn, giúp bạn xử lý vết thương, cứu người bị đuối nước, hóc dị vật và ngạt thở.
Xử lý vết thương
Vết thương trầy xước, chảy máu nhẹ
- Rửa sạch vết thương (đứt tay, té, trầy...) bằng nước sạch, rửa dưới vòi nước càng tốt để đẩy các chất bẩn ra ngoài, pha loãng vi khuẩn.
- Nếu vết thương dính bùn đất, cát, dùng oxy già để rửa và đẩy bùn đất ra ngoài.
- Lau sạch, rửa lại vết thương bằng nước xà phòng và thấm khô vết thương bằng gạc sạch.
Vết thương sâu, dài, chảy nhiều máu
+ Vết cắt sâu ở chi
- Dùng tay sạch (hoặc găng tay y tế nếu có) bóp chặt lên vết thương, tạo áp lực ngăn chảy máu.
- Dùng gạc, vải sạch để che vết thương.
- Băng thun quấn vết thương tạo áp lực cầm máu.
- Nếu máu thấm qua lớp băng, không gỡ bỏ mà tiếp tục dùng thêm băng gạc quấn đè lên trên
+ Vết cắt sâu, máu chảy ồ ạt
- Gọi xe cấp cứu hoặc nhờ sự trợ giúp của người khác.
- Rửa tay và đeo găng (nếu có).
- Cần loại bỏ các dị vật ở vị trí nông, không được lấy các dị vật đã cắm sâu vào vết thương.
- Cầm máu bằng cách sử dụng băng vải sạch ép trực tiếp lên vết thương.
- Gác chi bị thương cao hơn mức tim (nếu không bị gãy xương). Chúng ta cần đặt nạn nhân nằm ở tư thế thoải mái, đầu thấp.
- Dùng băng cuộn để băng ép lên trên vết thương giúp cầm máu (nên sử dụng thêm mảnh vải vô trùng đệm ở giữa).
- Đối với vết thương dị vật bám sâu, cần băng xung quanh dị vật để cố định nó. Nếu vết thương vẫn còn chảy máu, không được dùng thêm gạc đệm ở giữa, thay vào đó, đánh giá lại vết thương và đặt miếng đệm mới ở vị trí chính xác để cầm máu.
- Tiếp tục kiểm tra đường thở và hô hấp của nạn nhân. Theo dõi thêm các dấu hiệu sốc trong khi chờ lực lượng cấp cứu đến.
+ Vết cắt sâu ở cổ
- Dùng tay đè chặt vết thương tạo áp lực cầm máu.
- Dùng băng thun quấn chéo qua cổ và nách để tạo áp lực cầm máu và nhanh chóng đưa nạn nhân vào viện.
Bong gân tổn thương dây chằng
- Khi bị bong gân cần cởi giày, tất tránh chèn ép quanh vùng bị chấn thương.
- Đắp khăn có bọc đá lạnh để giúp bớt sưng, giảm đau.
- Quấn băng cố định xung quanh phần khớp xương bị bong gân, nhưng không được quấn chặt vì vết thương sẽ sưng lên.
- Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay sau khi băng bó xong.
Cứu người đuối nước
- Khi thấy người có dấu hiệu bị đuối nước, bạn cần đưa cho nạn nhân vật dụng có thể bám vào để nổi lên như: phao, thân cây chuối, can nhựa đóng nắp kín có dung tích lớn...
- Nếu bạn không biết bơi hoặc không tự tin vào khả năng của mình, hãy hô thật to để nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh đến cứu nạn nhân.
- Khi sử dụng vật hỗ trợ như gậy, dây thừng... hãy đứng thật vững và đủ xa để không bị kéo ngược xuống nước. Trong trường hợp người bị nạn đang úp xuống mặt nước thì cần gọi ngay dịch vụ khẩn cấp như cấp cứu 115.
- Khi đưa nạn nhân đuối nước lên bờ, kiểm tra phản ứng, hơi thở nạn nhân.
- Nếu nạn nhân còn thở, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên tạo điều kiện thuận lợi cho thông thoáng đường thở, có thể đưa đờm dãi, dị vật ra ngoài.
- Nếu nạn nhân không thể thở được, gọi cấp cứu 115 và gọi thêm người trợ giúp.
- Thực hiện hồi sinh tim phổi.
Cấp cứu người hóc dị vật
- Hóc dị vật có hai dạng gồm: tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn và tắc nghẽn đường thở hoàn toàn.
- Với trường hợp tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn, nạn nhân thường có triệu chứng: ho và cố ho, cố khạc nhổ để tống dị vật ra ngoài.
- Khi tắc nghẽn đường thở hoàn toàn, nạn nhân có biểu hiện: không nói được, tay ôm lấy cổ; khó thở, cố gắng thở; mắt trợn ngược, vẻ mặt hoảng hốt; mặt đỏ bừng, mạch máu ở cổ nổi phồng lên; môi và lưỡi tím tái dần.
+ Thực hiện cấp cứu
Trường hợp nạn nhân có thể tự ho được
- Có thể thở được, khuyến khích nạn nhân ho thêm để đẩy dị vật ra ngoài.
- Khi nạn nhân đang ho, tuyệt đối không đập vào lưng.
Trường hợp nạn nhân không tự ho được
Nếu nạn nhân là trẻ sơ sinh:
- Dùng tay đỡ cổ, đặt trẻ nằm sấp trên gối đầu hơi chúc xuống. Dùng lòng bàn tay vỗ vừa phải vào vùng xương giữa hai bả vai, hướng lên gáy.
- Dùng hai ngón tay ấn 5 cái vào giữa ngực trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu ho thì dừng lại để trẻ tự ho.
Nếu nạn nhân là trẻ lớn, người trưởng thành:
- Đặt nạn nhân hơi nghiêng về phía trước, dùng lòng bàn tay vỗ 5 cái dứt khoát vào vùng xương giữa hai bả vai hướng lên gáy.
- Tiếp tục dùng lòng bàn tay ấn 5 lần vào giữa ngực nạn nhân.
- Trong quá trình này nếu nạn nhân ho thì ngừng lại để tự ho.
- Khi ho được nghĩa là tự thở được bình thường.
Cách sơ cứu người bị điện giật
Một người có thể bị điện giật do chạm vào dòng điện cao thế, tiếp xúc với dây điện bị đứt rơi xuống vũng nước, đứng chân trần trên vũng nước rồi chạm vào điện hoặc phơi quần áo ở dây điện…
Điện giật ở mức độ nặng có thể khiến nạn nhân bị bỏng, thậm chí làm mũi ngừng thở, mạch ngừng đập. Vì thế mà cách sơ cứu người khi bị điện giật là rất quan trọng với các bước dưới đây:
+ Bạn nhanh chóng tắt nguồn điện bằng cách tắt hộp cầu chì hoặc công tắc điện. Nếu bạn không thể tắt nguồn điện thì có thể đứng trên một đồ vật khô hoặc không dẫn điện như sách, báo, bảng gỗ. Sau đó, bạn gạc dây diện ra khỏi người nạn nhân bằng cách sử dụng vật không dẫn điện như gậy gỗ, tay cầm chổi bằng gỗ hoặc nhựa…
+ Sau khi bạn đã cách ly nạn nhân với nguồn điện thì nên kiểm tra người đó còn tỉnh hay đã ngất xỉu. Trường hợp nạn nhân ngất xỉu thì cần kiểm tra mũi người đó còn thở và tim còn đập hay không.
+ Nếu nạn nhân còn thở thì bạn khẩn cấp gọi số điện thoại cấp cứu 115, đồng thời luôn theo dõi nhịp tim người bị nạn, kiểm tra các vết thương, đặc biệt là vết thương ở đốt sống cổ. Nếu bạn không sơ cứu kịp thời vết thương ở cổ thì tổn thương ở bộ phận này có thể gây tê liệt.
+ Nếu nạn nhân bất tỉnh, bạn đặt người đó nằm nghiêng để giúp loại bỏ đờm, từ đó giúp hô hấp trở lại nhưng nếu nạn nhân ngừng thở thì bạn phải thực hiện hồi sức tim phổi càng sớm càng tốt.
+ Kiểm tra vết bỏng điện. Nếu vết bỏng khiến quần áo bị dính vào da người bị nạn, bạn không được gỡ quần áo ra.
Không nên dùng dầu mỡ, kem đánh răng hay đá để chườm vết bỏng hay dùng khăn mặt, khăn tắm có nhiều sợi nhỏ đắp lên vết thương. Cách sơ cứu sai lầm này sẽ làm cho lớp da bị bỏng trở nặng hơn.
Cách hồi sức tim phổi cho người bị ngạt thở
Hồi sức tim phổi là kỹ năng sơ cấp cứu cần thiết cho người bị ngừng tim, sốc nhiễm khuẩn, sốc mất máu, bất tỉnh hoặc ngạt thở do đuối nước, điện giật...
Cách phát hiện nạn nhân bị ngưng thở ngưng tim cơ bản:
- Hôn mê, lay gọi không tỉnh.
- Lồng ngực không di động.
- Không thấy mạch cổ, mạch bẹn.
Nếu có một trong ba dấu hiệu trên, bạn hãy gọi cấp cứu 115 hoặc nhờ ai đó gọi trước khi hồi sinh tim phổi. Nếu chỉ có mình bạn và nạn nhân, hãy tiến hành hồi sinh tim phổi trong hai phút trước khi gọi cấp cứu.
+ Cách thực hiện
- Đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, khô ráo, thoáng đãng. Nới lỏng quần áo và bỏ các trang sức trên ngực nạn nhân (nếu có).
- Quỳ hai chân sát bên hông nạn nhân.
- Đặt gốc cổ tay lên giữa ngực nạn nhân, giữa các xương sườn. Hai bàn tay chồng lên nhau.
- Tư thế người hồi sức tim phổi đúng là hai cánh tay duỗi thẳng thành một góc 90 độ so với lồng ngực.
- Dùng sức nặng của thân trên (chứ không phải chỉ của cánh tay) khi ấn thẳng lồng ngực, độ lún ít nhất 5 cm. Ấn mạnh và nhanh ít nhất 100 lần/phút.
- Sau khi ấn 30 lần, đẩy đầu ngửa ra sau và nâng cằm lên để mở đường thở.
- Chuẩn bị hà hơi thổi ngạt. Dùng tay kẹp chặt mũi và thổi hơi vào miệng nạn nhân trong một giây.
Nếu lồng ngực phồng lên, cần thổi ngạt hơi thứ hai. Nếu lồng ngực không có dấu hiệu phồng lên, đẩy cằm ngửa lại và thổi ngạt lần thứ hai.
Đối với trẻ em
- Đặt hai ngón tay của một bàn tay ở giữa vị trí phía dưới đường ngang nối hai núm vú của trẻ.
- Tránh ấn nhầm do người lớn đặt tay quá sâu về phía dưới của ngực của trẻ.
- Tay còn lại, bạn hãy đặt lên trán trẻ, cần giữ đầu trẻ hơi nghiêng về phía sau.
- Sau đó tiến hành ấn xuống, tạo một áp lực ép sâu từ 1/3-1/2 ngực trẻ.
- Ấn khoảng 30 lần, sau mỗi lần ấn, bạn hãy để cho ngực trẻ trả lại trạng thái bình thường trước khi thực hiện lần ấn tiếp theo.
- Người sơ cứu cần tiến hành ấn nhanh và mạnh, tránh gián đoạn.
- Người sơ cứu cần đếm nhanh mỗi khi thực hiện động tác ấn xuống: "1,2,3.... 29,30, hết".
- Cần hà hơi thổi ngạt cho bé hai lần nữa và nên làm cho lồng ngực phồng lên.
Phòng chống tai nạn thương tích
Phòng chống tai nạn thương tích có thể thực hiện được qua việc phòng ngừa bằng phương pháp chủ động hoặc thụ động.
- Phương pháp phòng ngừa chủ động đòi hỏi có sự tham gia và hợp tác của cá nhân cần được bảo vệ, có nghĩa là hiệu quả của việc phòng ngừa phụ thuộc vào bản thân đối tượng cần được bảo vệ có sử dụng đúng các biện pháp phòng ngừa hay không. Mục đích của các biện pháp phòng ngừa là làm thay đổi hành vi của cá nhân cần được bảo vệ như yêu cầu mọi người phải thực hiện các nội quy về việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi xe ô tô...
- Phương pháp phòng ngừa thụ động là biện pháp có hiệu quả nhất trong kiểm soát tai nạn thương tích. Biện pháp này không đòi hỏi phải có sự tham gia của cá nhân cần được bảo vệ, tác dụng phòng ngừa hay bảo vệ các thiết bị, phương tiện đã được thiết kế để cá nhân tự động được bảo vệ. Mục đích của biện pháp phòng ngừa thụ động là thay đổi môi trường hay phương tiện của người sử dụng như phân tuyến đường giao thông cho người đi bộ riêng và xe ô tô hoặc xe máy riêng để cho người đi bộ được bảo vệ khỏi bị tai nạn thương tích do xe máy hoặc ô tô.