Cách sơ cứu, cấp cứu nạn nhân trong đám cháy

Nguyễn Diệp Linh
Sơ cứu, cấp cứu nạn nhân đúng cách sẽ quyết định sống - còn cho họ. Hơn 30 người tử vong trong vụ hỏa hoạn ở Bình Dương đêm 6/9, đặt ra vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy và những kỹ năng tự thoát hiểm, sơ cứu người gặp nạn.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP Hà Nội hướng dẫn các kỹ năng sơ cứu, cấp cứu người trong đám cháy:

Cách xử lý khi thấy người khác bị cháy:

- Trấn an giúp người đó không hoảng sợ, dừng chạy ngay lập tức;

- Dùng chăn chiên đã tẩm nước hoặc dùng nước để dập tắt lửa; đưa người bị cháy đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe.

Cách sơ cứu người bị ngừng thở

- Nếu nạn nhân ngừng thở nhưng mạch vẫn đập, tiến hành hô hấp nhân tạo; sau đó hô hào sự hỗ trợ giúp đỡ, rồi tiếp tục hô hấp cho đến khi nạn nhân tự thở được hoặc đến khi có người đến giúp đỡ;

- Nếu nạn nhân ngừng thở và mạch cũng ngừng đập, phải tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực. Người cứu cần thực hiện chu kỳ 2 lần thổi ngạt sau đó ép tim 30 lần; dừng lại để kiểm tra tim, phổi nạn nhân. Nếu nạn nhân đã tự thở được thì dừng thổi ngạt, tim mạch hoạt động lại thì dừng ép tim. Nếu chưa phục hồi thì tiếp tục thực hiện theo chu kỳ trên cho đến khi nạn nhân phục hồi hoặc nhân viên y tế đến.

- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe.

Cách sơ cứu người bị bỏng

10-12-2021-12-1663053878.png

Cách sơ cứu người bị bỏng

- Sử dụng nước sạch (16oC đến 20oC) để ngâm, rửa vết bỏng;

- Có thể ngâm, rửa vết bỏng dưới vòi nước hay trong chậu nước mát hoặc dội nước sạch liên tục lên vùng bỏng hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt;

- Kết hợp vừa ngâm rửa phần bị bỏng, vừa cắt bỏ quần áo bị cháy;

- Rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám vào vết bỏng;

- Đưa đến cơ sở y tế gần nhất để chăm sóc, theo dõi sức khỏe.

PV