Hội Chữ thập đỏ Ninh Bình: Nhanh nhạy, kịp thời, bám sát nhu cầu của người nhận trợ giúp

Đặng Thu Hằng
Sứ mệnh từ thiện, nhân đạo, trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội luôn là mục tiêu cao cả mà những người làm công tác Chữ thập đỏ dành nhiều tâm sức theo đuổi và hoàn thành. Nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Bùi Trọng Kỳ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Ninh Bình đã có những chia sẻ về vấn đề trên.
toa-dam-1700895476.jpg
Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong phong trào HMTN.

Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình năm qua?

Ông Bùi Trọng Kỳ: Với chủ đề "Từ trái tim mỗi chúng ta - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", năm 2023 các cấp Hội CTĐ từ tỉnh đến cơ sở thi đua thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và đạt được những kết quả nổi bật sau:

Công tác xây dựng tổ chức Hội được quan tâm; kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết HĐND tỉnh; tăng cường phát triển hội viên, tình nguyện viên, xây dựng tổ chức Hội; Tuyên truyền sâu rộng Điều lệ và Luật hoạt động Hội Chữ thập đỏ Việt Nam...

Hoạt động cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo được triển khai rộng khắp, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và có hiệu quả, trong năm các cấp Hội đã vận động được gần 27 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 55.000 lượt đối tượng tổn thương trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là Phong trào “Tết nhân ái”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”, phong trào “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, “Tháng đạo”... Thông qua các hoạt động nhân đạo đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, lan tỏa tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, kết nối tình thương yêu giữa con người với con người trong xã hội.

Công tác HMTN đạt được kết quả rất tích cực, toàn tỉnh đã có trên 15.000 người đăng ký tham gia hiến máu, kết quả tiếp nhận được 12.300 đơn vị máu đạt 137% kế hoạch. Nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán, nhất là thời điểm mua hè nhu cầu sử dụng máu tặng cao; đặc biệt năm nay nhóm máu O và A lại thường xuyên bị thiếu hụt, do đó Hội CTĐ tỉnh đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai kế hoạch thực hiện chiến dịch “Lễ hội Xuân hồng”, “Chủ nhật đỏ”, “Những giọt máu hồng hè”, và kêu gọi 02 chương trình hiến máu khẩn cấp nhóm máu A và O... thông qua các chương trình, đã thu hút đông đảo tình nguyện viên tham gia HMTN. Song song với hoạt động hiến máu, các cấp Hội tiếp tục duy trì hoạt động của 19 câu lạc bộ "Ngân hàng máu sống”, tuyên truyền, vận động và ra Quyết định thành lập mới 03 CLB, nâng tổng số CLB ngân hàng máu sống toàn tỉnh lên 22 câu lạc bộ với trên 2.162 thành viên. Đặc biệt, Hội đã tổ chức thành công Chương trình tôn vinh “Những tấm gương thầm lặng vì người bệnh”, khen thưởng cho gần 200 TNV tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6.

Công tác vận động người dân đăng ký và hiến mô, tạng ngày càng đi vào chiều sâu là vận động người dân hiến tạng(khi không may bị chết não); trong năm, có 160 đăng ký hiến mô, tạng; 01 người hiến giác mạc lũy kế đến nay toàn tỉnh có 15.260 người đã đăng ký; có 03 người hiến tạng và 503 người hiến giác mạc, nối dài sự sống cho nhiều người bệnh và đem lại ánh sáng cho trên 1000 người bị mù do bệnh lý giác mạc, duy trì là địa phương dẫn đầu toàn quốc về phong trào hiến mô, tạng.

Phóng viên: Để có được những kết quả đó, vai trò của Hội Chữ thập đỏ các cấp đã có những cách làm như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Trọng Kỳ: Để có được những kết quả trên, trước tiên đó là sự quan tâm tạo điều kiện, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Chữ thập đỏ với Mặt trận tổ quốc, các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, các tổ chức tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở; đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội, có ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời cập nhật, bổ sung kiến thức, học tập kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ ngày càng có hiệu quả.

Với quyết tâm đổi mới đột phá, từng bước thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Ngay từ đầu năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch, nội dung, Chương trình công tác bám sát chủ đề hoạt động của Hội, phát động ký giao ước thi đua giữa các đơn vị; đề cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong việc thực hiện có hiệu quả 7 hoạt động được quy định trong Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, đặc biệt chú trọng công tác cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa; chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng, hiến máu tình nguyện, đăng ký và hiến mô, tạng. Qua đó, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm, linh hoạt xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác Hội, và đạt được những kết quả đáng khích lệ được nói ở trên. Đặc biệt là chúng tôi rất quan tâm đến công tác truyền thông các hoạt động của Hội, qua đó làn toả tích cực các hoạt động nhân đạo trong cộng đồng.

ba86b8890c68c3369a79-1700895476.jpg
Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình bàn giao “Nhà Chữ thập đỏ” cho hộ dân nghèo tại huyện Yên Khánh

Phóng viên: Theo nhận định, thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế-xã hội có những khó khăn nhất định, liệu có ảnh hưởng đến công tác Chữ thập đỏ. Vậy tổ chức Hội có định hướng như thế nào, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội.

Ông Bùi Trọng Kỳ: Trong thời điểm hiện nay, bối cảnh kinh tế - xã hội có những khó khăn nhất định; ít nhiều ảnh hưởng đến công tác vận động nguồn lực của Hội. Tuy nhiên, chúng tôi xác định việc làm nhân đạo là việc làm thường xuyên và xuất phát từ trái tim của mỗi con người; chính vì vậy muốn thực hiện có kết quả phong trào Chữ thập đỏ và công tác hội thì mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên cần phải cố gắng, nhiệt tình, tâm huyết, rèn luyện kỹ năng công tác dân vận, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải xác định mỗi người tổn thương trong cộng đồng là những người thân của mình thì từ đó mới đem lại có kết quả hoạt động của Hội

Hội CTĐ tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 1150-CV/TU ngày 04/01/2023 của Tỉnh Ủy Ninh Bình về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới, đồng thời triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh – UBMTTQ Việt Nam tỉnh – Hội CTĐ tỉnh.

Xây dựng tổ chức Hội các cấp đoàn kết; Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng “Nhanh nhạy, kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả, bao quát được đối tượng, sát nhu cầu của người nhận trợ giúp”, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Đặc biệt là phải chủ động, kịp thời rà soát các đối tượng cần trợ giúp đột xuất; cứu trợ khẩn cấp khi có thiên tai, thảm họa xảy ra... để cộng đồng cùng vào cuộc trao tặng yêu thương cho đối tượng; tăng cường các hoạt động trợ giúp nhân đạo mang tính bền vững, thể hiện rõ vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ.

Trước mắt, toàn Hội tiếp tục đẩy mạnh hai chương trình trọng điểm “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” và “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”… thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động nhân đạo. Hội sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền, vận động tổ chức HMTN tỉnh Ninh Bình năm 2024; xây dựng Kế hoạch, thời gian tổ chức HMTN trong năm để phối hợp với các Bệnh viện tiếp nhận. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời tổ chức hiến máu tình nguyện, giám sát việc tổ chức tiếp nhận máu, đảm bảo an toàn, đúng quy định; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký và hiến mô, tạng; phối hợp với ngành y tế nắm bắt thông tin kịp thời để vận động gia đình có người bị chết não, tình nguyện hiến tạng người thân của mình để cứu chữa người bị bệnh hiểm nghèo; tôn vinh kịp thời những gia đình và người tình nguyện hiến mô, tạng.

z4907087225065-9a82c248c321966af87948cc11623a51-1700895476.jpg
 

Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông để phản ánh kịp thời các hoạt động công tác Hội và Phong trào Chữ thập đỏ góp phần lan tỏa những tấm lòng nhân ái. Phối hợp với UBMTTQVN và các ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác công tác nhân đạo. Củng cố và phát triển quan hệ với các tổ chức, doanh nghiêp và các nhà hảo tâm trong hoạt động nhân đạo sẵn sàng tham gia ủng hộ nhân dân các tỉnh bạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, thảm họa.

Phóng viên: Nhân kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Hội CTĐ Việt Nam (23/11/1946-23/11/2023), ông có tâm sự gì khi gắn bó với công việc này?

Ông Bùi Trọng Kỳ: Chúng tôi cũng có nhiều tâm sự, chia sẻ, xong chúng tôi xác định việc vận động, kết nối và đem lại niềm vui đến cho mọi người cũng chính là niềm vui của mỗi cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ; hy vọng rằng từ các hoạt động ý nghĩa của Hội, các cấp uỷ chính quyền cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chế độ chính sách có cán bộ, hội viên chữ thập đỏ; cần xác định đúng, trúng, đầy đủ ý nghĩa hơn nữa các hoạt động nhân đạo trên địa bàn, địa phương chính là thước đo về văn minh, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội của địa phương đó. Hy vọng rằng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong hoạt động nhân đạo, tham gia thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; để mỗi người dân“không ai bị bỏ lại phía sau”.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đức Bá