Ninh Bình: Tăng cường công tác thanh thiếu niên Chữ thập đỏ, hướng tới xây dựng “trường học an toàn, hạnh phúc”

Đặng Thu Hằng
Tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp công tác thanh niên, thiếu niên Chữ thập đỏ trường học giai đoạn 2022-2026 được ký kết giữa Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, năm học 2022-2023, công tác thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ trường học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 484 cơ sở trường học với 24.555 hội viên; 6.160 tình nguyện viên; 41.750 thanh thiếu niên Chữ thập đỏ. Năm học 2022 - 2023, các Hội và Chi hội Chữ thập đỏ trường học trên địa bàn tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Hội Chữ thập đỏ cấp trên để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội. Thông qua Chương trình phối hợp công tác thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trường học nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái, các giá trị nhân đạo, trang bị kiến thức, kỹ năng sống cần thiết cho thanh niên, thiếu niên; xây dựng môi trường học tập và rèn luyện phong phú, tạo điều kiện cho các em được tham gia các hoạt động cộng đồng, nhân đạo, từ thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học an toàn, thân thiện và hạnh phúc.

Thực hiện phong trào “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”, đẩy mạnh Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", Hội đã kịp thời khảo sát, lập hồ sơ "Địa chỉ nhân đạo" đối với học sinh, sinh viên và giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

chau-hieu-1699243308.jpg
Các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình trao tặng quà và tiền hỗ trợ cho gia đình em Đ.T.H bị bệnh hiểm nghèo trong chương trình “Thắp sáng ước mơ cho em”

Tuyên truyền để thanh, thiếu niên trong từng lớp và cán bộ, giáo viên đăng ký tham gia các hoạt động nhân ái. Năm học 2022-2023, các đơn vị trường học trong toàn tỉnh đã phối hợp khảo sát, lập hồ sơ “Địa chỉ nhân đạo” đối với các em học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tiếp tục triển khai chương trình mô hình vận động, ủng hộ, gây quỹ nhân đạo trong trường học, vận động thanh niên, thiếu niên trong từng lớp, cán bộ, giáo viên và các nhà hảo tâm đăng ký trợ giúp thường xuyên với hình thức thiết thực.

Qua đó, mỗi tập thể thanh niên, thiếu niên đã nhận trợ giúp ít nhất một “Địa chỉ nhân đạo” trong trường học hoặc ở cộng đồng dân cư, kết quả có trên 2.500 lượt đối tượng được trợ giúp gồm: Xây dựng, sửa chữa “Nhà chữ thập đỏ - Khăn quàng đỏ”, hỗ trợ học bổng, tặng sổ tiết kiệm, xe đạp, sách vở và đồ dùng học tập, miễn giảm học phí, tiền bán trú, hỗ trợ các em học sinh và giáo viên điều trị bệnh hiểm nghèo… với tổng trị giá trên 5,5 tỷ đồng; tiêu biểu như: Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với CLB kết nối yêu thương TP Hồ Chí Minh - Hà Nội tổ chức trao tặng trang thiết bị thư viện cho Trường THPT Nho Quan A, 100 xe đạp, 200 phần quà cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Nho Quan với tổng trị giá trên 01 tỷ đồng; Hội Chữ thập đỏ trường THPT Hoa Lư A đã tổ chức trao tặng học bổng cho 44 em học sinh với số tiền 57 triệu đồng nhân dịp khai giảng năm học mới 2023-2024; Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Viễn phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức trao tặng 37 suất học bổng cho các em HS nghèo vượt khó với số tiền 157,5 triệu đồng; em Đ.T.H không may bị mắc bệnh hiểm nghèo, Chi hội Chữ thập đỏ trường THCS Đồng Giao (thành phố Tam Điệp) đã thông qua mạng xã hội Facebook, zalo… kêu gọi, vận động và trao tặng số tiền gần 140 triệu đồng cho em và gia đình có thêm kinh phí chữa bệnh…

12bc6dc45a729d2cc463-1699243308.jpg
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình tổ chức chương trình hoạt động ngoại khóa và trao tặng quà tại các trường mầm non huyện yên Khánh và Kim Sơn.

Thực hiện chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội Food Share và các nhà hảo tâm tổ chức trao tặng (bánh, sữa, bột dinh dưỡng, quần áo và tiền mặt …) hỗ trợ cho 18.750 trẻ em là học sinh khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, trẻ bại não và học sinh 42 trường học trong và ngoài địa bàn tỉnh với tổng trị giá trên 3,5 tỷ đồng.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là công tác sơ cấp cứu đuối nước cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên và học sinh trong nhà trường được các Hội, Chi hội Chữ thập đỏ trường học chú trọng triển khai. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giúp các em học sinh có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và phòng chống dịch bệnh. Nhằm nâng cao kiến thức sơ cấp cứu, phòng ngừa và ứng phó thảm họa, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, an toàn giao thông cho cán bộ, giáo viên, thanh thiếu niên trong trường học… Hội Chữ thập đỏ các cấp đã tổ chức được 09 lớp tập huấn sơ cấp cứu, phòng chống đuối nước, hướng dẫn kỹ năng sống trong tình huống khẩn cấp và kỹ năng làm việc nhóm góp phần xây dựng mô hình “trường học an toàn” cho trên 1.500 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và học sinh trong dịp nghỉ hè.

trao-xe-dap-thang-nhan-dao-1699243308.jpg
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình và các nhà hảo tâm trao tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại Lễ phát động Tháng nhân đạo năm 2023.

Song song với các hoạt động trên, Hội và Chi Hội Chữ thập đỏ các nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, sinh viên từ 18-60 tuổi tham gia hiến máu tình nguyện, đăng ký hiến mô, tạng; trong năm học 2022 – 2023, có 25 giáo viên đã đăng ký hiến mô, tạng và 2.548 đơn vị máu được kịp thời chia sẻ, chung tay giữ nhịp đập trái tim người bệnh...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trường học trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ trong trường học, năm học 2023 – 2024, tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các giá trị nhân đạo trong hoạt động của Hội Chữ thập đỏ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, thanh niên, thiếu niên; Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ, đối với những nơi chưa có tổ chức Hội Chữ thập đỏ hoặc gặp khó khăn trong việc phát triển tổ chức Hội, thì tổ chức Hội hoặc ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ cấp trên chủ động tham mưu tổ chức các hoạt động nhân đạo, lấy hoạt động nhân đạo làm trung tâm để lôi cuốn sự tham gia của học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, người lao động trong trường học, qua đó phát huy vai trò của các tổ chức đoàn, đội, hội… chung tay tổ chức các hoạt động nhân đạo; nhân rộng các mô hình hiệu quả và phát huy vai trò của lực lượng hội viên, tình nguyện viên thanh thiếu niên Chữ thập đỏ, trong đó tập trung vào việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng công tác Hội Chữ thập đỏ cho giáo viên phụ trách Hội Chữ thập đỏ các trường. Đặc biệt vận động nguồn lực và tổ chức các hoạt động nhân đạo trong trường học và tại cộng đồng, thành lập các đội sơ cấp cứu trong trường học; hướng dẫn kỹ năng sống trong tình huống khẩn cấp và kỹ năng làm việc nhóm góp phần xây dựng mô hình “trường học an toàn – hạnh phúc”; tập trung hơn nữa trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên trong xây dựng trường học an toàn, thân thiện, hạnh phúc kết hợp với tổ chức các hoạt động, phong trào và cuộc vận động nhân đạo.

ks-b-1699243308.jpg
Hội Chữ thập đỏ trường THPT Kim Sơn B tổ chức hoạt động ngoại khóa hưởng ứng Phong trào “Tết Nhân ái” và gây quỹ ủng hộ, trao tặng quà cho các bạn học sinh vượt khó vươn lên trong học tập.

Có được những kết quả ấn tượng về hoạt động Chữ thập đỏ trong năm học vừa qua, trước hết có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Chữ thập đỏ - Sở Giáo dục & Đào tạo – Tỉnh Đoàn Ninh Bình trong việc thực hiện chương trình liên ngành. Hiệu quả của công tác Chữ thập đỏ đã góp phần giáo dục toàn diện về thể chất, trí tuệ, hướng các em đến những giá trị tốt đẹp “Chân - Thiện- Mỹ”; giúp các em hiểu rõ truyền thống nhân đạo tốt đẹp của dân tộc để từ đó biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài trường học. Qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ nhân cách sống, tính hướng thiện, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thấy nỗi đau của người khác là nỗi đau của chính mình. Từ đó góp phần làm giảm bớt các tệ nạn xã hội, ổn định tư tưởng, tin tưởng vào bản thân để các em phấn đấu học tập, rèn luyện, hăng hái tham gia vào sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước, xây dựng xã hội tươi đẹp, phồn vinh và hạnh phúc.

Phùng Luyến